Ba Lan: Chủ tịch Quốc hội và 3 bộ trưởng từ chức vì bê bối nghe lén

11/06/2015 10:26 GMT+7

(TNO) Ba bộ trưởng và Chủ tịch Quốc hội Ba Lan đã từ chức vào ngày 10.6 liên quan đến một vụ bê bối nghe lén, chỉ bốn tháng trước thềm bầu cử.

(TNO) Ba bộ trưởng và Chủ tịch Quốc hội Ba Lan đã từ chức vào ngày 10.6 liên quan đến một vụ bê bối nghe lén, chỉ bốn tháng trước thềm bầu cử.

Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz lên tiếng xin lỗi vì vụ bê bối nghe lén - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ba Lan, bà Ewa Kopacz tuyên bố Chủ tịch Quốc hội Radoslaw Sikorski và Bộ trưởng Ngân khố Wlodzimierz Karpinski, Bộ trưởng Y tế Bartosz Arlukowicz và Bộ trưởng Thể thao Andrzej Biernat đã từ chức, giữa lúc chính quyền bà Kopacz nỗ lực vận động cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới để tiếp tục nắm quyền, theo AFP.
Đảng Cương lĩnh Dân sự cầm quyền của bà Kopacz bị giảm uy tín sau vụ rò rỉ những băng ghi âm lén các quan chức cấp cao Ba Lan, bao gồm Chủ tịch Quốc hội và các vị bộ trưởng vừa từ chức đùa giỡn trong những nhà hàng sang trọng ở thủ đô Warsaw, gọi rượu đắt tiền và bình luận khiếm nhã về đồng nghiệp và lãnh đạo nước ngoài.
Trong một đoạn ghi âm, Chủ tịch Quốc hội Sikorski nói Thủ tướng Anh David Cameron là "bất tài" và gọi quan hệ giữa Ba Lan và Mỹ là “vớ vẩn”.
Những đoạn ghi âm lén này bị rò rỉ trên internet vào tháng 6.2014, nhưng vụ việc lại trở thành tâm điểm của truyền thông Ba Lan trong tuần khi những tài liệu và đoạn ghi âm mà các công tố viên nắm giữ để điều tra bị rò rỉ trên mạng xã hội.
Zbigniew Stonoga, blogger đứng sau vụ rò rỉ thông tin trên mạng xã hội, đã bị cảnh sát thẩm vấn và có nguy cơ lãnh án tù. Ông Stonoga cho biết ông tìm thấy bản copy tài liệu mật trên server đặt ở Trung Quốc. Trong khi đó, những nhân viên nhà hàng bí mật ghi âm các quan chức Ba Lan cho hay họ hành động theo lời sai khiến của một doanh nhân.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 10.6, bà Kopacz lên tiếng xin lỗi vì vụ bê bối nghe lén và khẳng định: “Một khi tôi còn là Thủ tướng, tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai dùng những đoạn ghi âm nghe lén trong chiến dịch tranh cử”.
Trong tám năm qua kể từ khi đảng Cương lĩnh Dân sự trở thành đảng cầm quyền, Ba Lan, nền kinh tế lớn nhất ở Trung Âu, chứng kiến một giai đoạn thịnh vượng và ổn định chưa có tiền lệ, nhờ vào hàng tỉ euro viện trợ của Liên minh châu Âu (EU), Reuters cho biết. Tuy nhiên, sau khi đảng Cương lĩnh Dân sự giành chiến thắng nhiệm kỳ hai vào tháng 11.2011, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng làm giảm sút lòng tin của cử tri Ba Lan, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.