ASEAN cần chủ động, trách nhiệm hơn trong duy trì an ninh

13/11/2014 05:27 GMT+7

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo tranh chấp lãnh thổ có thể kéo lùi sự phát triển châu Á, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN có trách nhiệm hơn trong vấn đề này.

* Tranh chấp lãnh thổ có thể kéo lùi sự phát triển châu Á

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự các hội nghị quan trọng của ASEAN và các đối tác trong ngày 12.11 - Ảnh: AFP

Phát biểu ngày 12.11 sau khi họp với lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN thứ 25 và Thượng đỉnh Đông Á (EAS) thứ 9 tại Myanmar, Tổng thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon phát biểu: “Tôi thực sự quan ngại rằng các mâu thuẫn lịch sử và tuyên bố chủ quyền xung khắc có thể kéo lùi khu vực này”. Quan ngại của ông Ban cũng được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ khi tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN sáng qua, ông Lý nói: “Hiện tồn tại khả năng leo thang xung đột ở biển Đông”.

Cụ thể hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ trong cùng cuộc họp: “Tại Hội nghị Cấp cao tháng 5.2014, ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Ðến nay, tình hình biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định: “Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC)” mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002.

Để ngăn chặn và giảm leo thang căng thẳng như TTK Ban đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các lãnh đạo trong khối: “Tại hội nghị này, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực”.

Cụ thể, theo Thủ tướng, “ASEAN cần tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của DOC, trước hết là điều 5 của tuyên bố này; thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS)”.

“Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ DOC; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC”, Thủ tướng nói thêm.

Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Lý Hiển Long nói ông ủng hộ các biện pháp “thu hoạch sớm”, như việc lập đường dây nóng xử lý các sự cố khẩn cấp trên biển, ký thỏa thuận giữa ASEAN - Trung Quốc về việc hoàn thiện sớm COC.

“ASEAN phải phản ứng một cách quyết đoán và đồng bộ trước những diễn biến địa chính trị như tranh chấp biển Đông hay các vấn đề an ninh như tổ chức khủng bố IS”, ông Lý thúc giục. Trong khi đó, TTK Ban Ki-moon quả quyết: “Các lãnh đạo có trách nhiệm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại”. Theo ông, đó là cách để khu vực không bị kéo lùi, mà trở thành “một nơi tốt đẹp hơn có thể đem lại thịnh vượng cho tất cả”.

Ngày 12.11, bên lề đợt hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp TTK LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Úc Tony Abbott. Không chỉ bày tỏ mong muốn hợp tác nhiều mặt với VN, từ kinh tế và giáo dục cho đến chính trị và an ninh, các nhà lãnh đạo nói trên cũng ủng hộ quan điểm của VN trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Hôm nay 13.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng New Zealand John Key.

Hôm qua cũng diễn ra các cuộc họp ASEAN+1 với các đối tác Ấn Độ, Nhật Bản, và họp kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác ASEAN - Úc. Các đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và bước vào giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2015, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và tăng cường đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Lãnh đạo 5 quốc gia Tiểu vùng Mê Kông còn họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Hôm nay, chương trình dự đoán sẽ sôi nổi hơn với các cuộc họp EAS có sự tham gia của lãnh đạo 8 cường quốc đối tác, họp ASEAN - Mỹ, ASEAN - Trung Quốc. Trước khi kết thúc, các lãnh đạo sẽ họp với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và trao quyền Chủ tịch luân phiên ASEAN 2015 cho Malaysia.

Thục Minh
(từ Naypyitaw, Myanmar)

>> Đẩy mạnh đưa hàng vào thị trường ASEAN+1
>> ASEAN sẽ bàn về IS và Ebola
>> ASEAN cần chủ động, trách nhiệm hơn để giữ an ninh khu vực
>> Myanmar siết chặt an ninh trước thềm Thượng đỉnh EAS, ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.