Áo kiện Đức vì nghe lén đồng minh

07/05/2015 09:18 GMT+7

Việc Đức thu thập thông tin của các nước EU cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã làm nhiều đồng minh trong khu vực phẫn nộ.

Việc Đức thu thập thông tin của các nước EU cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã làm nhiều đồng minh trong khu vực phẫn nộ.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đang chịu nhiều sức ép vì cáo buộc nghe lén - Ảnh: AFPBộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đang chịu nhiều sức ép vì cáo buộc nghe lén - Ảnh: AFP
Hãng tin Austria Presse Agentur hôm qua 6.5 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner cho biết chính phủ nước này đã đệ đơn kiện lên tòa án của thủ đô Vienna về “các hoạt động tình báo của Đức gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia Áo”.
Bà Mikl-Leitner yêu cầu Berlin phải có giải thích “minh bạch và chi tiết” về việc hỗ trợ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén tại EU. Cũng trong ngày 6.5, chính quyền Pháp cũng gây áp lực khi tuyên bố nước này “tin rằng Đức sẽ hành động thỏa đáng về cáo buộc nghe lén”, theo AFP.
Cuối tháng trước, tờ Der Spiegel dẫn nguồn tin riêng tiết lộ Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) đã theo dõi và thu thập thông tin của các công ty tại châu Âu từ năm 2008. Sau đó, đến lượt tờ Süddeutsche Zeitung đưa tin ít nhất 2.000 viên chức làm việc cho các cơ quan của EU và chính phủ các nước, bao gồm cả các đồng minh thân cận như Pháp, Áo bị BND nghe lén từ trạm thu phát sóng viễn thông Bad Aibling đặt tại bang Bavaria, miền nam Đức.
Cụ thể, ở Pháp, có nhiều quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Điện Élysée là mục tiêu theo dõi. Mới nhất, tờ Bild ngày 2.5 dẫn nguồn tài liệu mật nêu rõ những đoạn ghi âm lén điện thoại hoặc dữ liệu thu thập từ internet không chỉ chuyển cho NSA mà còn được BND lưu giữ lại để khai thác.
Mới đây, giới công tố Đức thông báo mở cuộc điều tra để xác định BND có vi phạm các quy định về tình báo hay không trong khi áp lực từ chức nhằm vào Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere, một cộng sự rất thân cận của Thủ tướng Angela Merkel, ngày càng tăng.
Trong một diễn biến khác, Hạ viện Pháp vừa thông qua dự luật về tình báo bất chấp các cuộc biểu tình phản đối, theo tờ Le Monde. Điều khoản bị chỉ trích nhất của dự luật là cơ quan tình báo có quyền lắp đặt một thiết bị tương tự như “hộp đen” tại hệ thống máy chủ của nhà mạng giúp ghi lại dữ liệu internet của người dùng. Từ đó, một thuật toán sẽ được áp dụng để lọc ra những cá nhân “có biểu hiện khủng bố”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.