Anh mở cuộc điều tra vụ bê bối máu bẩn khiến 2.400 người chết

01/05/2019 21:00 GMT+7

Chính phủ Anh ngày 30.4 mở cuộc điều tra vụ bê bối máu nhiễm bệnh được dùng để điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân trong thập niên 1970-1980, khiến ít nhất 2.400 người tử vong.

Hàng ngàn bệnh nhân - đa số mắc bệnh loãng máu hay máu khó đông - bị lây nhiễm HIV hoặc viêm gan C do các sản phẩm máu nhiễm bệnh được nhập khẩu từ Mỹ, theo AP.
Các cuộc điều tra trước đây bị lên án là chỉ nhằm biện minh do không có bất kỳ ai để quy trách nhiệm pháp lý.
Thủ tướng Theresa May đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra mới, kể từ ngày 30.4 cho đến cuối năm nay sẽ triệu tập nhiều nhân chứng, nạn nhân sống sót ở thủ đô London và toàn quốc để thu thập chứng cứ.
Bà May cho biết vụ bê bối máu bẩn là “thảm kịch lẽ ra không bao giờ xảy ra”. “Chúng ta bắt đầu hành trình để đi tìm sự thật và xét xử bất kỳ ai có liên quan”, Thủ tướng May nói.
Trong nhiều năm qua, các nhà hoạt động xã hội liên tục cáo buộc chính phủ không chịu nhận trách nhiệm vụ bê bối và gọi đây là thảm họa tội tệ nhất lịch sử ngành y tế công ở Anh.
Huyết tương và thuốc Factor VIII (Yếu tố VIII-được tách chiết từ huyết tương) nhập khẩu được phát hiện xuất phát từ máu của người nhiễm bệnh, bao gồm cả tù nhân bán máu.
Nhóm điều tra dự kiến sẽ triệu tập khoảng 1.697 người và trong tuần này mời 12 nạn nhân lẫn nhân chứng để lấy lời khai.
Thuốc Factor VIII nhập khẩu từ Mỹ trong thập niên 1970-1980 Ảnh chụp màn hình BBC
Là người đầu tiên được mời đến gặp các điều tra viên, Derek Martindale mắc bệnh bệnh loãng máu cho biết ông đã bị nhiễm HIV và viên gan C trong quá trình điều trị bệnh lúc còn bé.
“Lúc bấy giờ bác sĩ bảo tôi dương tính với HIV và chỉ còn 1 năm để sống, buộc tôi không được tiết lộ với bất kỳ ai kể cả gia đình, cha mẹ”, Martindale nói với đài Sky News.
“Nếu chính phủ thật sự muốn làm điều đúng đắn, họ sẽ phải tuyên bố nhận trách nhiệm ngay bây giờ”, Jason Evans cho biết. Cha của anh Evans qua đời năm 1993 sau khi điều trị bệnh máu khó đông.
Đài BBC còn phản ánh cả trường hợp hi hữu đối với bà Liz Hooper có hai đời chồng đều tử vong do điều trị bệnh loãng máu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.