Anh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks

12/04/2019 08:17 GMT+7

Cảnh sát Anh hôm qua bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange khỏi sứ quán Ecuador tại London, nơi ông tị nạn để tránh bị dẫn độ suốt 7 năm qua.

Theo Reuters, ít nhất 7 cảnh sát Anh áp giải ông Julian Assange (48 tuổi) ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại thủ đô London vào ngày 11.4.
Trong một thông báo, Sở Cảnh sát London cho biết họ bắt giữ ông Assange sau khi “được đại sứ mời và chính phủ Ecuador rút quy chế tị nạn đối với công dân người Úc này”.
Nhà sáng lập WikiLeaks bị tạm giam tại một đồn cảnh sát ở London và đang đối diện với cáo buộc trốn nộp tiền bảo lãnh và không xuất hiện trước tòa.
Sau đó, Sở Cảnh sát London cập nhật thông báo rằng lệnh bắt được đưa ra theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ. Đến tối qua, Assange xuất hiện tại tòa ở London, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ ra tuyên bố cáo buộc ông cấu kết với Chelsea Manning, từng là nhà phân tích tình báo của quân đội Mỹ, để bẻ khóa mật khẩu được lưu trữ trên máy tính của Bộ Quốc phòng, dẫn đến "một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất lịch sử Mỹ" vào năm 2010. Assange đối diện với mức án tới 5 năm tù nếu bị kết tội.
[VIDEO] Cảnh sát Anh bắt giữ người sáng lập Wikileaks sau khi Ecuador không còn "chứa chấp"
Ông chủ WikiLeaks tị nạn trong sứ quán Ecuador kể từ năm 2012 nhằm tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển và Mỹ. Giới chức Thụy Điển muốn thẩm vấn ông với cáo buộc tấn công tình dục, sau đó đã hủy bỏ cuộc điều tra vào năm 2017, nhưng khẳng định có thể mở lại nếu tình hình thay đổi, theo AFP. Ông Assange từ chối đến Thụy Điển để trả lời chất vấn vì sợ sẽ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.
Mối quan hệ giữa Assange với Ecuador trở nên xấu đi sau khi giới chức nước này cáo buộc WikiLeaks rò rỉ thông tin nhạy cảm về đời sống cá nhân của Tổng thống Lenin Moreno. Bộ Ngoại giao Ecuador thông báo ông Assange vi phạm quy chế tị nạn, phối hợp với 2 tin tặc Nga (đang sống ở Ecuador) can dự vào vấn đề nội bộ của nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Moreno khẳng định đã yêu cầu phía Anh phải đảm bảo Assange sẽ không bị dẫn độ đến quốc gia mà ông có thể bị tra tấn hoặc lãnh án tử. “Chính phủ Anh đã xác nhận sẽ thực hiện yêu cầu của tôi theo đúng pháp luật của nước này”, ông Moreno nói thêm. Trước đó, hồi năm 2018, ông Assange đệ đơn kiện sau khi sứ quán Ecuador ban hành nội quy mới, theo đó cấm ông đưa ra tuyên bố mang tính chính trị, phải thường xuyên lau dọn phòng tắm, chăm sóc tốt hơn cho thú nuôi.
Anh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks1
Ông Assange với mái tóc, râu dài bạc phơ ngồi trong xe cảnh sát Ảnh: Reuters
Phản ứng trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Úc Marise Payne tuyên bố sẽ hỗ trợ lãnh sự cho công dân Assange và mong ông được đối xử công bằng theo thủ tục pháp lý ở Anh. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May nói việc bắt giữ ông chủ WikiLeaks cho thấy không ai có thể đứng trên luật pháp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì chỉ trích động thái của Anh là chống lại tự do dân chủ. Trong buổi họp báo cùng ngày, khi được hỏi liệu Nga có cho ông Assange tị nạn, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ đáp: “Chúng tôi kỳ vọng Anh phải đảm bảo quyền cơ bản của nhà sáng lập WikiLeaks”. 
Là người đam mê công nghệ thông tin (IT), Assange phối hợp với các nhà hoạt động chính trị và chuyên gia IT lập ra trang WikiLeaks vào năm 2006 nhằm mở đường cho những người tố giác muốn rò rỉ tin mật. Assange trở nên nổi tiếng vì trang WikiLeaks phơi bày hàng loạt bí mật khắp thế giới. Nhà sáng lập WikiLeaks từng được nhiều người ca tụng là anh hùng đấu tranh bảo vệ tự do ngôn luận vì công bố 500.000 tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh Iraq và Afghanistan, hé lộ chi tiết về số lượng thường dân thiệt mạng, những vụ tra tấn tù binh. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng hành động rò rỉ tài liệu mật của Assange là đe dọa an ninh quốc gia. Các tổ chức nhân quyền cùng những người từng hợp tác với Assange hoảng sợ khi WikiLeaks đăng tải tài liệu mật, thậm chí bao gồm cả danh tính người cung cấp thông tin, theo AFP. Còn chính phủ Mỹ cùng các nước đồng minh cáo buộc ông đe dọa mạng sống nhiều người vì làm lộ nguồn tin, kỹ thuật tình báo và những cơ sở hạ tầng then chốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.