An ninh trước Hội nghị G20

06/10/2010 22:08 GMT+7

Còn hơn một tháng nữa Hội nghị thượng đỉnh G20 mới diễn ra nhưng Hàn Quốc đã ráo riết chuẩn bị cho công tác an ninh.

Vào ngày 11-12.11, Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm những nền kinh tế lớn) sẽ diễn ra tại Seoul, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ Thế vận hội Seoul 1988. Seoul rất kỳ vọng nó sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước nên đang ra sức chuẩn bị tốt tất cả các khâu để không xảy ra bất kỳ sai sót nào. Trong đó, công tác bảo vệ an ninh cho hội nghị được chú ý nhiều nhất do những lo ngại về khủng bố và biểu tình.

Nguy cơ được báo trước

“Đến hẹn lại lên”, Hội nghị G20 nào cũng là mục tiêu của bọn khủng bố vì tính chất quan trọng của nó cũng như sự có mặt của những nhân vật quan trọng nhất của thế giới. Vì thế công tác an ninh luôn khiến nước chủ nhà phải đau đầu. Trong hội nghị gần đây nhất diễn ra vào ngày 26-27.6.2010 tại thủ phủ Toronto của tỉnh Ontario của Canada, chính quyền đã triển khai chiến dịch an ninh lớn nhất trong lịch sử nước này với chi phí ước tính 1 tỉ USD, theo tờ Guardian. Khoảng 19.000 cảnh sát và 1.100 nhân viên bảo vệ được huy động đến Toronto và Hunstville, nơi diễn ra hội đàm của các lãnh đạo G8 (gồm 8 nền kinh tế hàng đầu, vốn cũng nằm trong G20). Lực lượng an ninh cũng dựng một hàng rào cao 3 mét xung quanh Trung tâm hội nghị Toronto. Sự cẩn thận của giới chức Canada là không thừa bởi chỉ vài ngày trước khi hội nghị khai mạc, cảnh sát đã phát hiện ít nhất 2 âm mưu tấn công khủng bố và bắt giữ nhiều nghi can.

Ngoài mối đe dọa từ khủng bố, Hội nghị G20 còn là “dịp” để các nhóm hoạt động vì môi trường, chống các tập đoàn đa quốc gia, chống chính phủ và các nghiệp đoàn biểu tình rầm rộ. Trong sự kiện ở Canada, bất chấp các biện pháp phòng ngừa, biểu tình lớn vẫn nổ ra với sự tham gia của khoảng 10.000 người. Cuộc biểu tình đã chuyển thành phá hoại và bạo lực khi nhiều kẻ đập phá các tòa nhà và cửa hàng, đốt xe cảnh sát... Theo AFP, giới công lực phải dùng hơi cay, đạn cao su để trấn áp và bắt hơn 500 người.

Tại Hàn Quốc, dù còn hơn 1 tháng nữa hội nghị mới diễn ra nhưng các nhóm biểu tình đã rục rịch chuẩn bị. Ngày 12.9, Hiệp hội Nghiệp đoàn Hàn Quốc (KCTU) cho biết sẽ thành lập khoảng 50 nhóm người để thực hiện biểu tình phản đối G20. Phát ngôn viên KCTU Lee Chang-geun nói với AFP rằng tổ chức này đã bắt đầu một chiến dịch từ ngày 1.10 để phản đối chương trình nghị sự của hội nghị, vốn được dự đoán là sẽ tiếp tục các biện pháp cắt giảm việc làm, lương bổng và phúc lợi hơn nữa để giảm thâm hụt ngân sách.

Ngoài ra, hội nghị sắp tới diễn ra trong lúc quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt, nên Seoul không khỏi lo ngại các hành động của Bình Nhưỡng. Tờ Chosun Ilbo hôm 24.9 dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay trong một cuộc họp do Kim Jong-un, con trai út của nhà lãnh đạo Kim Jong-il chủ trì, phía CHDCND Triều Tiên nhận định hội nghị lần này có thể là âm mưu của các cường quốc nhằm cô lập nước này. Theo tờ Korea Herald, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 4.10 cho rằng không thể bỏ qua khả năng miền Bắc có động thái cản trở hội nghị.

Đại bác âm thanh

Ngày 4.10, cảnh sát Hàn Quốc công bố việc thành lập một đơn vị đặc nhiệm nhằm bảo vệ các lãnh đạo tại Hội nghị G20. Theo AFP, các thành viên trong nhóm đã phô diễn khả năng cận chiến điêu luyện cũng như thực hiện diễn tập bảo vệ yếu nhân trước sự chứng kiến của phóng viên và các nhà ngoại giao. Hàng chục nhân viên đặc nhiệm được trang bị tận răng dùng người máy, xe bọc thép, trực thăng, vòi rồng và vật cản để trấn áp người biểu tình, gỡ bom và bảo vệ trụ sở hội nghị trước các cuộc tấn công khủng bố. Chính quyền cho biết họ đã vạch ra nhiều phương án để ngăn chặn những người phản đối.

Theo tờ Korea Times, ban tổ chức vừa thành lập một trung tâm chỉ huy an ninh tại tháp ASEM ở Seoul. Người đứng đầu chiến dịch an ninh của hội nghị Yu Jeong-kwon cho biết: “Vì đây là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay tại Seoul nên cần phải có các biện pháp ngăn ngừa khủng bố hiệu quả nhất. Chúng tôi sẽ áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong công tác an ninh”.

Nhà chức trách dự báo sẽ có khoảng 8.000 người kéo về Seoul từ ngày 10.11 và theo Yonhap, cảnh sát sẽ thành lập hàng rào cao 2,2m, dài 1,6 km xung quanh trung tâm hội nghị và triển lãm ở Seoul, nơi diễn ra Hội nghị G20. Ngoài ra, cảnh sát dự tính sẽ dùng một thiết bị gọi là LRAD (Long Range Acoustic Device) để ngăn chặn người biểu tình. Được mệnh danh là “đại bác âm thanh”, LRAD có khả năng phát ra âm thanh có tần số lên tới 152 decibel và chuyên dùng để giải tán đám đông. Tuy nhiên, đã xuất hiện ý kiến phản đối vì cho rằng loại thiết bị này có thể gây điếc cho những người có mặt. Hôm 5.10, một phát ngôn viên của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc nói với AFP rằng họ sẽ xem xét liệu có cơ sở chính đáng để dùng loại vũ khí này hay không. Từ ngày 1.10, các sân bay Hàn Quốc cũng đã bắt đầu dùng máy quét toàn thân đối với các hành khách khả nghi.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 4.10 cho biết quân đội cũng đã trong trạng thái sẵn sàng. Korea Herald dẫn thông báo từ bộ này cho hay sẽ triển khai binh lính xung quanh nơi diễn ra hội nghị, các địa điểm lưu trú và sân bay.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.