An ninh hàng không Mỹ: phi công máy bay chở khách cũng học bắn không tặc

26/03/2018 20:00 GMT+7

Hàng ngàn phi công Mỹ mang theo súng trong buồng lái và được huấn luyện để bắn hạ không tặc.

Sau vụ không tặc cướp 4 máy bay để tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép phi công mang theo súng vào buồng lái. Chương trình huấn luyện phi công bắn súng thường niên bắt đầu kể từ tháng 4.2003, nhưng ít được truyền thông Mỹ nhắc đến mãi cho đến khi xảy ra vụ xả súng trường học hồi tháng 2.
Nam sinh Nikolas Cruz (19 tuổi) đã nổ súng trong Trường trung học Marjory Stoneman Douglas (thành phố Parkland, bang Florida), khiến 14 học sinh và 3 nhân viên thiệt mạng. Phong trào phản đối bạo lực liên quan đến súng lan rộng với hàng trăm ngàn học sinh tham gia tuần hành ở 50 bang của Mỹ, yêu cầu chính phủ tăng cường biện pháp kiểm soát việc sở hữu vũ khí. Sau đó, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra đề xuất gây tranh cãi là trang bị súng cho giáo viên và theo ông, “nhiều người không biết rằng” các phi công có vũ khí.
Chính phủ Mỹ không công bố thông tin có bao nhiêu phi công được trang bị súng, chỉ cho biết “hàng ngàn” người được huấn luyện. Tuy nhiên, đài BBC dẫn lời một phi công Mỹ giấu tên ước tính: “Mỹ có khoảng 125.000 phi công lái máy bay thương mại. Trong số này, cứ mỗi 10 phi công thì có 1 người được trang bị vũ khí”.
Hằng năm, hàng trăm phi công đến thành phố Artesia, bang New Mexico để huấn luyện. Chương trình này là tự nguyện, miễn phí và những phi công được trang bị vũ khí có thể nghỉ phép được hưởng lương để tham gia.
Trong khuôn khổ chương trình, phi công học cách bắn súng trong lúc đứng và ngồi, xử lý tình huống không tặc định cướp súng của họ hoặc đe dọa tính mạng hành khách. “Bên trong buồng lái, phi công có bao súng ngắn đeo ở thắt lưng. Khi bước ra khỏi máy bay, súng phải được bỏ vào trong hộp có khóa. Quyền sử dụng súng của phi công chỉ được đảm bảo trên máy bay. Họ không thể đi bộ ở nơi công cộng với vũ khí bên mình”, ông Eric Sarandrea, phó giám đốc Cơ quan an ninh hàng không Liên bang Mỹ (FAMS) cho biết.
Kể từ vụ 11.9, không có bất kỳ máy bay Mỹ nào bị cướp nên phi công chưa phải sử dụng vũ khí, ngoại trừ một sự cố xảy ra hồi năm 2008. Khi đó, một phi công Mỹ vô tình cướp cò làm thủng buồng lái trong lúc cất súng. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, có 55 vụ cướp máy bay dân sự kể từ năm 2001, theo BBC.
Ở Mỹ, các nhân viên thuộc Cơ quan an ninh hàng không Liên bang (FAMS) mang biệt danh "cớm chìm" cũng được điều động ngồi trong cabin các chuyến bay đến những khu vực có nguy cơ bị tấn công khủng bố hoặc chở hành khách nằm trong danh sách theo dõi hay áp tải tội phạm nguy hiểm.
Mặc dù không được trả thêm lương, nhưng nhiều phi công và hãng hàng không hoan nghênh chương huấn luyện. Phi công có vũ khí giúp tăng cường đảm bảo an ninh cho hành khách, ít tốn kém chi phí hơn lực lượng FAMS. Hồi năm 2013, hiệp hội phi công Mỹ Alpa cho biết chính phủ phải chi 3.000 USD cho một “cớm chìm” trong mỗi chuyến bay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.