Ấn Độ họa vô đơn chí giữa nạn Covid-19

11/05/2021 07:10 GMT+7

Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến xấu ở Đông Nam Á, còn Ấn Độ phải đối mặt thêm một khó khăn đáng sợ khác là “bệnh chồng dịch” khi xuất hiện thêm tình trạng nhiễm “nấm đen” ở nhiều người từng nhiễm Covid -19.

Ngày chết chóc ở Đông Nam Á

Hôm qua (10.5), Thái Lan ghi nhận thêm 22 ca Covid-19 tử vong, tăng từ con số 17 của ngày 9.5, nâng tổng số người chết vì bệnh này lên 421, theo tờ Bangkok Post. Thái Lan cũng ghi nhận thêm 1.630 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 85.005. Cùng ngày, Bangkok Post đưa tin giới chức nước này phát hiện biến thể SARS-CoV-2 từ Ấn Độ là B.1.617.1 có trong người của một phụ nữ và 3 con trai sau khi họ trở về từ Pakistan.

Campuchia, Thái Lan, Lào căng thẳng đương đầu Covid-19

Tương tự, Bộ Y tế Campuchia hôm qua ghi nhận thêm 6 ca Covid-19 tử vong trong ngày thứ 2 liên tiếp, trong khi 2 ngày trước đó không có thêm ca tử vong. Bộ Y tế Campuchia còn ghi nhận thêm 506 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 19.743, trong đó có 126 ca tử vong, theo tờ Khmer Times. Cũng vào hôm qua, Lào ghi nhận 25 ca nhiễm Covid-19 mới, giảm từ con số 69 của ngày trước đó, theo tờ The Laotian Times.

Nguy cơ “bệnh chồng dịch”

Bộ Y tế Ấn Độ hôm qua công bố số liệu mới cho thấy thêm 3.754 ca Covid-19 tử vong trong vòng 24 giờ, thoát khỏi cột mốc trên 4.000 ca được ghi nhận trong 2 ngày trước đó, nâng tổng số người chết vì bệnh này lên 246.116, theo Reuters. Dữ liệu mới còn cho thấy có thêm 366.161 ca nhiễm Covid-19, sau 4 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới hơn 400.000, đẩy tổng số ca nhiễm lên 22,66 triệu.
Không những vậy, Ấn Độ còn đang đối mặt một thách thức khác là sự xuất hiện của bệnh nhiễm trùng nấm Mucormycosis hay còn gọi là nhiễm trùng “nấm đen”.
Tờ Times of India đưa tin Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) và cơ quan y tế nước này ngày 9.5 đã đưa ra bộ lời khuyên dựa trên bằng chứng cho việc sàng lọc, chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhiễm trùng nấm Mucormycosis. Ngoài ra, chính quyền bang Gujarat cũng đã cho thiết lập hai khu điều trị chuyên biệt để điều trị cho các bệnh nhân mắc phải bệnh này.

Biến chứng "nấm đen" gây thêm tai họa cho Ấn Độ giữa dịch Covid-19

Bệnh nhiễm trùng “nấm đen” có nguy cơ tử vong lên tới 50% và thường có các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy máu mũi; sưng và đau mắt; sụp mí mắt; mắt mờ và cuối cùng là mất thị lực. Các bác sĩ cho rằng bệnh nhiễm nấm này bắt nguồn từ việc sử dụng steroid, một cách điều trị giúp cứu sống các bệnh nhân mắc Covid-19 nghiêm trọng. Trong quá trình chống lại SARS-CoV-2, steroid cũng gây rủi ro làm giảm khả năng miễn dịch và làm tăng đường huyết ở bệnh nhân mắc Covid-19. Sự sụt giảm khả năng miễn dịch chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân Covid-19 nhiễm nấm Mucormycosis.

Đáng lo ngại

Theo cơ quan chức năng bang Gujarat, đến nay đã báo cáo hơn 100 trường hợp mắc bệnh “nấm đen”. Còn tại Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, bác sĩ Tatyarao Lahane, người đứng đầu Ban Nghiên cứu và Giáo dục y tế của chính phủ, cho biết đã có ít nhất 8 người sau khi được chữa khỏi Covid-19 đã chết do nhiễm bệnh “nấm đen” và 200 người khác đang được điều trị.
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này từ 12 - 15 ngày sau khi khỏi bệnh Covid-19. Đáng lo là các bệnh nhân nhiễm “nấm đen” chỉ đến khám khi họ đã mất thị lực, nên phải phẫu thuật cắt bỏ mắt để ngăn nhiễm trùng lên não. Một số bệnh nhân còn phải cắt bỏ cả hai mắt, thậm chí là mũi và xương hàm để ngăn chặn nấm lây lan trong cơ thể.
Giới y tế ở các bang của Ấn Độ đang cực kỳ lo ngại về mức độ nghiêm trọng và tần suất nhiễm bệnh “nấm đen” trong đợt dịch Covid-19 thứ hai. Trong khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu vào năm 2020, Ấn Độ chỉ ghi nhận vài trường hợp nhiễm trùng “nấm đen”.

Mỹ đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 70% người trưởng thành trước ngày 4.7

 
Mỹ đếm thiếu số ca tử vong vì Covid-19
Tính đến ngày 9.5, Mỹ ghi nhận 581.741 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19, nhưng tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế trưởng của Nhà Trắng, cho rằng con số này thấp hơn so với thực tế, hay nói cách khác Mỹ đã đếm sót số người chết, theo Đài NBC.
Trong khi đó, Đại học Washington ước tính số ca tử vong từ đầu dịch Covid-19 đến nay tại Mỹ phải hơn 900.000. Tuy nhiên, tiến sĩ Fauci cũng không đồng ý với tính toán trên vì cho rằng hơi cao so với mức ước tính của ông.
Nhằm đạt được mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 70% dân số Mỹ vào ngày 4.7, tiến sĩ Fauci cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phải nhờ cậy những “sứ giả đáng tin cậy”, như các ngôi sao trong làng thể thao, những người nổi tiếng... để thuyết phục nhóm dân số vẫn chưa đến phòng tiêm vì hoài nghi. Đến nay, trung bình mỗi ngày Mỹ lại có thêm 43.000 ca Covid-19 mới, và tiến sĩ Fauci cho rằng giới hữu trách cần tìm cách tiếp tục giảm số trường hợp lây nhiễm. Hiện chỉ có khoảng 33% dân số Mỹ được tiêm đầy đủ vắc xin.
H.G
Trung Quốc lập “dải phân cách” ở đỉnh Everest
Reuters ngày 10.5 đưa tin Trung Quốc đang xúc tiến thiết lập một “dải phân cách” ở đỉnh Everest, do lo ngại tình trạng khu cắm trại của vực núi Everest nằm ở phía Nepal đã bắt đầu bị lây lan Covid-19 từ tháng 4. Trong khi đó, vì muốn duy trì nguồn thu từ ngành du lịch mà chính phủ Nepal vẫn tiếp tục mở cửa đón khách leo núi ở khu vực trên - vốn thường diễn ra từ tháng 4 - 6 hằng năm.
Theo Reuters, Trung Quốc dự định điều một nhóm các hướng dẫn viên leo núi của Tây Tạng tiếp cận đỉnh Everest để thiết lập vành đai trên, nhằm ngăn chặn người leo núi Everest từ 2 phía Tây Tạng và Nepal tiếp xúc nhau. Chưa rõ là chính quyền có yêu cầu các hướng dẫn viên leo núi Tây Tạng có phải “bám trụ” lại khu vực đỉnh Everest để giữ vững dải phân cách hay không, khi đây được xem là “khu vực tử thần” vốn từng có nhiều người thiệt mạng do thiếu ô xy.
Nguyễn Lan Hương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.