Ấn Độ đào tạo thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam như thế nào?

03/01/2017 08:29 GMT+7

Để làm chủ tàu ngầm - khí tài hiện đại nhất, Hải quân Việt Nam đã nhờ Ấn Độ hỗ trợ đào tạo huấn luyện các kíp thuỷ thủ và sĩ quan điều khiển tàu, đến nay đã có ít nhất 2 kíp hoàn tất đào tạo.

Theo trang tin DailyO (Ấn Độ), ngày 31.8.2016, một kíp gồm 20 sĩ quan và 40 thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam đã hoàn tất khoá đào tạo đầu tiên kéo dài 6 tháng tại trường huấn luyện tàu ngầm INS Satavahana ở Visakhapatnam (Ấn Độ).

Việt Nam cuối năm 2009 đã ký hợp đồng với Nga đặt đóng 6 tàu ngầm diesel - điện lớp Varshavyanka, còn gọi là lớp Kilo nâng cấp. Ấn Độ cũng đang sử dụng tàu ngầm Kilo hàng chục năm nay nên có rất nhiều kinh nghiệm vận hành và tác chiến dưới lòng biển.

Vào tháng 10.2013, Ấn Độ đã khởi động việc đào tạo 550 sĩ quan và thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam theo thoả thuận hợp tác với chính phủ Việt Nam. Số lượng sĩ quan và thuỷ thủ này tương đương 9 kíp quân nhân tàu ngầm (mỗi tàu ngầm Kilo cần khoảng 60 người).

Khoá quân nhân tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam với 54 người đã hoàn tất đào tạo tại trường Satavahana vào cuối năm 2014, sau khi bắt đầu học từ tháng 10.2013, theo báo Times of India ngày 28.10.2014.

Năm 2015, trường tàu ngầm Satavahana đào tạo khoá thứ hai của quân nhân tàu ngầm Việt Nam, gồm 19 sĩ quan và 42 thủy thủ.

Còn với số quân nhân tàu ngầm Việt Nam vừa hoàn tất khoá đào tạo đầu tiên dài 6 tháng nói trên, thực tế vẫn chưa thể điều hành tàu ngầm thuần thục được, mà chỉ như cữ tập thể dục, theo DailyO.

Lý do là 60 quân nhân Việt Nam này, biên chế đủ cho 1 tàu ngầm Kilo, chỉ vừa học xong khoá đào tạo cơ bản ở trường INS Satavahana. Hầu hết thời gian họ học là ở trên giảng đường, để hiểu rõ cấu tạo của tàu ngầm và các hệ thống quan sát, hoa tiêu, máy móc, liên lạc…

Giai đoạn kế tiếp chính là học thực hành trên tàu ngầm thật, và phải xuống tàu ngầm để ra biển. Từ đó quân nhân tàu ngầm Việt Nam sẽ học tác chiến thực sự dưới lòng biển.

Bên trong 1 tàu ngầm Kilo của Ấn Độ India Today

Theo DailyO, tàu ngầm như lớp Kilo vũ trang ngư lôi, mìn biển, tên lửa hành trình diệt hạm và tấn công đất liền. Tàu ngầm khó bị phát hiện khi thực hiện các sứ mạng chống xâm nhập hoặc ngăn cản hải quân đối phương tự do đi lại trên biển. Tàu ngầm cho phép lực lượng hải quân nhỏ có thể đối đầu với lực lượng hải quân lớn hơn, và có thể xem như là lối đánh du kích trên biển.

DailyO nhận xét rằng đây cũng dường như là lựa chọn của Việt Nam, đất nước có lực lượng du kích đã từng đánh bại 3 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, kể cả Trung Quốc vào năm 1979 (hai thành viên kia là Pháp và Mỹ).

Tuy nhiên điều hành tàu ngầm khó và phức tạp hơn lối đánh du kích trên bộ. Hải quân Việt Nam vốn chưa từng sử dụng tàu ngầm đã nhảy vọt một bước lớn ngang hàng với các lực lượng hải quân toàn cầu khi đặt mua đến 6 tàu ngầm Kilo từ Nga.

Và Hải quân Ấn Độ, với kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm Kilo ở vùng biển nhiệt đới hơn 30 năm qua là nơi cần thiết để cung cấp sự huấn luyện cho quân nhân tàu ngầm Việt Nam với các khoá đào tạo chiến thuật về khai thác sử dụng tàu ngầm, về phát huy tối đa khả năng tác chiến của tàu ngầm.

Việc đào tạo tác chiến dưới nước chính là giai đoạn 2 của khoá huấn luyện, cũng kéo dài 6 tháng, trong đó kíp thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam phải có ít nhất 45 ngày huấn luyện trên tàu ngầm ở ngoài biển.

Sau khi hoàn tất 6 tháng tiếp theo này, tức tổng cộng 1 năm đào tạo, kíp thuỷ thủ và sĩ quan tàu ngầm Việt Nam mới nhận đủ huy hiệu 2 cá heo, chứng nhận họ đã trở thành những quân nhân tàu ngầm thực thụ.

Tàu ngầm chính là lực lượng du kích trong lòng biển của Việt Nam. Trong ảnh: Đội hình 5 tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh, ảnh chụp ngày 5.2.2016 Bảo Nam

Trong khoá huấn luyện giai đoạn 2, quân nhân tàu ngầm Việt Nam sẽ được dạy kỹ năng âm thầm bám theo tàu chiến của đối phương, rải mìn phong toả hải cảng, săn tìm tàu ngầm địch, và đặc biệt là cách sử dụng hệ thống tên lửa hành trình Klub có tầm bắn 220 km có thể vừa diệt tàu chiến vừa tấn công được các mục tiêu trên đất liền.

Tóm lại, việc đào tạo huấn luyện này sẽ đảm bảo cho Hải quân nhân dân Việt Nam có thể gây thiệt hại nặng cho bất kỳ kẻ xâm lược bằng đường biển nào, thậm chí có thể đánh trả ngay trên sân nhà của đối phương. Lực lượng du kích trong lòng biển của Việt Nam cũng là một cơ hội tuyệt vời cho Ấn Độ để củng cố chính sách hướng Đông, theo DailyO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.