Ai đứng sau vụ đánh bom Bangkok?

06/09/2015 07:57 GMT+7

Gần 3 tuần trôi qua sau vụ đánh bom tại đền Erawan (Bangkok) ngày 17.8 làm ít nhất 20 người chết và 130 người bị thương, cảnh sát Thái Lan vẫn chưa tìm ra hung thủ.

Gần 3 tuần trôi qua sau vụ đánh bom tại đền Erawan (Bangkok) ngày 17.8 làm ít nhất 20 người chết và 130 người bị thương, cảnh sát Thái Lan vẫn chưa tìm ra hung thủ.

Nghi phạm Adem Karadag bị dẫn giải ra tòa ngày 5.9 - Ảnh: Reuters
Sau vụ nổ 2 ngày, dựa theo hình ảnh trong camera an ninh, chân dung và lệnh truy nã kẻ đánh bom mặc áo vàng đã được công bố. 10 ngày sau, cảnh sát bắt nghi phạm đầu tiên là Adem Karadag (tên trên hộ chiếu giả), 28 tuổi, tại một chung cư thuộc quận Nong Chok (ngoại ô Bangkok) cùng với nhiều dụng cụ, vật liệu chế tạo bom.
Mờ mịt nghi can chính
Kết quả so sánh ADN, dấu vân tay của Adem và mẫu thu được tại hiện trường (trên taxi, tiền giấy, mảnh vụn...) cho thấy người này không phải là kẻ đánh bom. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn cho rằng Adem đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới tội phạm gây ra vụ này. Vì thế, ngày 5.9, Tòa hình sự Thái Lan chuẩn y lệnh giam 12 ngày đối với nghi phạm để tiếp tục điều tra (thời gian tạm giữ có thể lên đến 84 ngày trước khi bị buộc tội).
Nghi phạm thứ hai là Yusufu Mieraili, 25 tuổi, bị bắt vào ngày 1.9 tại tỉnh Sa Kaeo khi đang tìm đường tẩu thoát sang Campuchia. Yusufu - từng lấy bằng kỹ sư hóa học tại một đại học danh tiếng ở Trung Quốc - được cho là nghi can số một trong vụ này. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, dấu vân tay trên thùng đựng vật liệu bị nghi là dùng chế tạo bom trùng khớp với Yusufu. Bên cạnh đó, anh ta còn mang theo bên người mảnh giấy ghi công thức chế tạo bom.
Tại cơ quan điều tra, Yusufu chỉ thừa nhận có mặt tại hiện trường và phủ nhận việc đánh bom. “Đích thân tôi sẽ thẩm vấn Yusufu. Anh ta là chìa khóa của mọi vấn đề”, Phó chỉ huy cảnh sát Thái Lan Chakthip Chajinda, người đứng đầu chiến dịch điều tra tuyên bố.
Tuy nhiên, hy vọng chứng minh Yusufu là hung thủ tiếp tục tiêu tan khi kết quả kiểm tra ADN ngày 4.9 cho thấy người này vẫn không phải là kẻ đánh bom áo vàng. Điều đó có nghĩa là kẻ đánh bom vẫn chưa sa lưới dù đã bắt 2 nghi phạm và phát 9 lệnh truy nã.
Đánh bom trả thù ?
Vụ án càng trở nên phức tạp hơn cho chính quyền Thái Lan khi phải trả lời câu hỏi về động cơ của cuộc tấn công vừa qua. Bà Pawanrat Boonmaneeprasert, nhân viên bảo hiểm AIA, nói với Thanh Niên: “Theo tôi hung thủ gây ra vụ này vì động cơ chính trị. Họ muốn hạ uy tín chính phủ đương thời để đẩy nhanh cuộc bầu cử thủ tướng mới”.
Giả thuyết lớn nhất hiện nay là vụ đánh bom nhằm trả thù. Nhưng trả thù việc gì, ai thật sự đứng sau vụ này vẫn đang là các câu hỏi làm đau đầu nhà cầm quyền. Đối tượng thứ nhất được “khoanh vùng” là tổ chức cánh hữu “Sói xám” ở Thổ Nhĩ Kỳ và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trả thù việc Thái Lan trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ về lại Trung Quốc hồi tháng 7. Anthony Davis, chuyên gia phân tích an ninh của IHS Jane’s, cũng cho rằng nhóm “Sói xám” có thể đứng sau vụ đánh bom để trả thù Thái Lan.
Việc cảnh sát rà soát thông tin của công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến Thái Lan trong vòng 15 ngày trước khi xảy ra vụ nổ, truy nã 3 người Thổ Nhĩ Kỳ vì dính líu đến vụ đánh bom đã cho thấy cảnh sát Thái đang “hướng tầm ngắm” về người Thổ. Trước thông tin này, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chính quyền Thái vẫn chưa chính thức liên lạc để xác minh quốc tịch của các nghi phạm và yêu cầu phải làm sáng tỏ vụ này. Phía Thái Lan cho biết sẽ gửi hộ chiếu bị tịch thu đến đại sứ quán các nước liên quan sau khi hoàn tất những khám nghiệm pháp lý.
Người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương gây ra vụ này cũng là một nghi vấn không kém thuyết phục. Theo đó, Trung Quốc cáo buộc trong những người Duy Ngô Nhĩ hồi hương từ Thái, một số người có ý định tham gia vào lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Syria. Và Thái được xem là điểm quá cảnh của họ trên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, người Duy Ngô Nhĩ quyết định “trả đũa”, và đền Erawan đặc biệt phổ biến với khách du lịch Trung Quốc trở thành mục tiêu. Ngày 3.9, Cục Phòng chống tội phạm (CSD) được lệnh theo dõi “nhất cử nhất động” của 3.000 người Duy Ngô Nhĩ tại Thái Lan bất kể quốc tịch Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng tìm ra manh mối.
Nhận định chấn động
Trong bối cảnh đó, tờ The Diplomat ngày 4.9 đăng bài điều tra độc quyền của nhà báo Shawn W.Crispin đưa ra nhận định chấn động rằng vụ đánh bom có thể được những người nước ngoài thực hiện dưới sự giật dây của một số thế lực trong giới an ninh Thái Lan.
Trong bài điều tra được thực hiện sau nhiều cuộc phỏng vấn với các nhà ngoại giao, quan chức cấp cao giấu tên, nhà báo Crispin nêu ra kịch bản rằng vụ đánh bom có thể là sự trả thù “nội bộ” vì chiến dịch truy quét buôn người cách đây vài tháng. Trước áp lực quốc tế, hồi tháng 6 chính quyền Thái Lan đã truy tố 72 người, gồm các quan chức nhà nước và một tướng quân đội cấp cao vì dính líu đến đường dây buôn người Rohingya. Việc thuyên chuyển chớp nhoáng đối với 5 cảnh sát cửa khẩu tại biên giới Campuchia (là những người nhận hối lộ để nghi phạm thứ nhất xâm nhập vào đất Thái mà không cần giấy tờ hợp pháp) đã phần nào củng cố cho giả thuyết có sự tiếp tay của giới an ninh.
Nghi vấn về sự trả thù của bọn buôn người cũng đáng quan tâm vì tình tiết đáng chú ý mới xuất hiện. Tờ Bangkok Post ngày 5.9 dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya tiết lộ Cơ quan chống rửa tiền (Amlo) vừa xác định được nguồn gốc “dòng tiền” của những nghi phạm và đã chuyển kết quả cho cảnh sát. Phó phát ngôn chính phủ Werachon Sukondhapatipak suy đoán những nghi phạm đánh bom nhận được hỗ trợ tài chính từ một tổ chức buôn người. “Việc chúng tôi (Thái Lan) trả người Duy Ngô Nhĩ nhập cư bất hợp pháp về lại Trung Quốc đã khiến bọn buôn người bị “thất thu”, nên chúng trả đũa”, ông nói.
Diễn biến cuộc điều tra
- Ngày 17.8: Vụ đánh bom diễn ra lúc 19 giờ tại Bangkok làm ít nhất 20 người chết và 130 người bị thương.
- Ngày 18.8: Một quả bom khác phát nổ tại bến tàu Sathorn, may mắn không có thương vong.
- Ngày 19.8: Chân dung và lệnh truy nã kẻ đánh bom được công bố.
- Ngày 29.8: Nghi phạm đầu tiên tên Adem Karadag bị bắt ở ngoại ô Bangkok.
- Ngày 1.9: Nghi phạm thứ hai tên Yusufu Mieraili, 25 tuổi bị bắt gần biên giới Campuchia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.