Ai Cập tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở ba thành phố

28/01/2013 13:15 GMT+7

(TNO) Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi tối 27.1 (giờ địa phương, tức rạng sáng nay 28.1 theo giờ VN) tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng ở ba thành phố Suez, Ismailia và Port Said (cùng ở phía bắc), theo AFP.

(TNO) Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi tối 27.1 (giờ địa phương, tức rạng sáng nay 28.1 theo giờ VN) tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng ở ba thành phố Suez, Ismailia và Port Said (cùng ở phía bắc), theo AFP.

Theo quyết định này, trong thời gian này, hằng ngày, chính quyền địa phương cũng sẽ áp dụng thời gian giới nghiêm từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng của ngày hôm sau.

Quyết định này được đưa ra sau khi bạo loạn bùng phát tại Ai Cập kể từ ngày 25.1, nhân “kỷ niệm” hai năm phong trào chống đối chính phủ từng làm Tổng thống Ai Cập khi đó là ông Hosni Mubarak phải ra đi.

Đặc biệt, tại thành phố Port Said, tình hình rất bất ổn sau khi 21 cổ động viên của đội bóng địa phương Al-Masry bị tòa tuyên án tử hình vào ngày 26.1. Tính đến ngày 28.1, các vụ đụng độ giữa thân nhân những người này với cảnh sát trong dịp cuối tuần qua đã làm ít nhất 37 người thiệt mạng và 467 người khác bị thương.

Ai Cập tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 3 thành phố
Hai năm sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, Ai Cập vẫn còn bất ổn - Ảnh: AFP

Từ ngày 26.1, quân đội đã được điều đến các thành phố Port Said và Suez để bảo vệ những khu vực quan trọng như nhà máy điện, nhà tù, trạm bơm nước, ngân hàng và các tòa nhà công sở. Cả hai thành phố này đều nằm ở vị trí chiến lược của kênh đào Suez, vốn được xem là “huyết mạch” kinh tế của Ai Cập với 3.500 lượt tàu chở dầu đi qua hằng năm, theo AFP.

Tình trạng bất ổn những ngày qua tiếp tục cho thấy khủng hoảng chính trị vẫn còn rất “nóng” tại Ai Cập. Từ giữa tháng 11.2012, nhiều cuộc biểu tình chống Tổng thống Mohamed Morsi cùng Hiến pháp mới cũng kết thúc trong bạo loạn.

Lần này, phe đối lập, đứng đầu là đảng Mặt trận Cứu quốc (NSF) tiếp tục nhân ngày “kỷ niệm” để kêu gọi phản đối.

NSF nhận định kết quả phong trào biểu tình cách đây hai năm chỉ là "con số không" vì lực lượng Huynh đệ Hồi giáo của ông Mursi đang có ảnh hưởng quá lớn tại chính trường Ai Cập nhờ bản Hiến pháp mới.

Trước đó, phe đối lập từng đe dọa tẩy chay kỳ tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 4.2013 nếu Cairo không tổ chức chỉnh sửa lại văn bản này (tức Hiến pháp - PV).

Bên cạnh đó, theo tờ Les Echos, kinh tế suy thoái cũng là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập thêm nghiêm trọng, mà cụ thể là ngành du lịch của nước này vẫn chưa phục hồi, trong khi phần lớn đầu tư nước ngoài bị trì hoãn và thâm hụt ngân sách đang ở mức tương đương 10% GDP.

Lan Chi

>> Bùng phát bạo động tại Ai Cập
>> Bạo loạn ở Ai Cập, 9 người chết
>> Sập nhà ở Ai Cập, 25 người chết
>> Thụy Sĩ hoãn giao trả tiền của ông Mubarak cho Ai Cập
>> Xe lửa trật đường ray ở Ai Cập, 19 người chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.