Ác mộng đe dọa IS

09/04/2015 08:30 GMT+7

Tham vọng xây dựng Nhà nước Hồi giáo của tổ chức cực đoan IS đang bị một loại dịch bệnh có tên gọi “Hoa hồng Jericho” đe dọa.

Tham vọng xây dựng Nhà nước Hồi giáo của tổ chức cực đoan IS đang bị một loại dịch bệnh có tên gọi “Hoa hồng Jericho” đe dọa.

IS đang khổ sở vì đối thủ mới, dịch bệnh Leishmaniasis - Ảnh: Mirror
IS đang khổ sở vì đối thủ mới, dịch bệnh Leishmaniasis - Ảnh: Mirror
Với lá cờ đen và những tay súng bịt mặt, tổ chức IS đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ của Iraq, Syria và gieo rắc kinh hoàng bằng những vụ thảm sát hàng loạt cũng như chặt đầu người không gớm tay. Trong đà tiến tưởng chừng như không ai cản nổi bất chấp những cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu,
IS đã chiếm được thành phố Raqqa của Syria và xem nơi đây là “thủ đô” của Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, theo Sputnik News, “thủ đô” của IS hiện trở thành điểm nóng tấn công của bệnh Leishmaniasis, còn được gọi bằng cái tên đẹp đẽ hơn là “Hoa hồng Jericho” do thường được phát hiện tại thành phố cổ này.
Lây truyền bởi những con ruồi cát giống cái, căn bệnh có khả năng tạo ra những vết thương hở kích thước lớn. Khi bị ruồi cát cái cắn, những vết đỏ gây đau nhức trên da có thể trổ ra trong vòng vài tuần. Vi rút cuối cùng sẽ tấn công các nội tạng quan trọng trong cơ thể người bệnh. Những triệu chứng khác của bệnh bao gồm sốt cao, số lượng hồng cầu suy giảm, lá lách hoặc gan phình to. Bệnh Leishmaniasis có thể gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Theo thông tin trên website của tổ chức Raqqa Is Being Slaughtered Silently chuyên theo dõi tình hình tại Raqqa, trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 9.2013 và cho đến nay hơn 3.000 người được chẩn đoán mắc bệnh, bao gồm nhiều tay súng IS.
Trong khi đó, báo Anh The Sun dẫn các nguồn tin riêng cho biết số bệnh nhân Leishmaniasis hiện đã vượt quá 100.000 người. Trên thực tế, hầu hết các ca bệnh tại Raqqa đều không được chữa trị. Nhiều tay súng, vì những lý do không xác định, đã từ chối điều trị. Nhưng thậm chí nếu họ đồng ý, số bác sĩ đủ khả năng điều trị bệnh cũng chẳng còn bao nhiêu người.
Raqqa Is Being Slaughtered Silently cho biết dù các bác sĩ thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã xắn tay áo chữa trị những ca bệnh đầu tiên, nhưng kể từ khi IS tấn công và nắm quyền kiểm soát Raqqa vào năm ngoái, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực đã đóng cửa văn phòng của họ tại đây. Các tay súng IS đã tịch thu trang thiết bị và bắt giữ những người cố gắng đối phó dịch bệnh. Hậu quả là hầu hết bác sĩ giỏi đều đã rời khỏi thành phố, những người còn ở lại để chữa trị cho các tay súng cực đoan chỉ là những người bản địa không có nhiều kinh nghiệm trị bệnh.
“Cơn bão hoàn hảo”
Thông tin về dịch bệnh Leishmaniasis ở Raqqa được đưa ra không lâu sau khi các chuyên gia Mỹ cảnh báo về nguy cơ tổ chức IS sử dụng vi rút Ebola để tấn công phương Tây. Tạp chí Forbes hồi tháng 10.2014 dẫn lời ông Al Shimkus, một chuyên gia về an ninh quốc gia thuộc Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định các tay súng của IS có thể tự làm cho mình nhiễm vi rút và tiến hành tấn công liều chết. Ông nói viễn cảnh ghê rợn nhất là IS điều một đội “cảm tử quân” đến các khu vực dịch Ebola hoành hành tại Tây Phi và cố tình bị phơi nhiễm vi rút có tỷ lệ gây tử vong đặc biệt cao này rồi dùng những “quả bom Ebola” đó để khủng bố Mỹ và các nước khác.
Thế nhưng khi IS chưa kịp dùng vi rút Ebola làm vũ khí tấn công như suy đoán của các chuyên gia Mỹ thì họ đã trở thành nạn nhân của vi rút gây bệnh Leishmaniasis. Theo giới quan sát, diễn biến này dễ trở thành cái cớ để những người theo thuyết âm mưu nghi ngờ về “bàn tay của Mỹ” nhằm tiêu diệt IS sau khi các chiến dịch không kích tỏ ra không “ép phê”. Hồi tháng 1, Washington đã lên tiếng cảnh báo về một “cơn bão hoàn hảo” các điều kiện khiến những vùng lãnh thổ do IS kiểm soát ở Syria và Iraq dễ trở thành điểm nóng dịch bệnh. Tờ báo dẫn lời tiến sĩ Peter Hotez, Chủ tịch Viện Vắc xin Sabin và là Đặc sứ khoa học của Nhà Trắng tại Trung Đông và Bắc Phi, nhận định dịch bệnh Leishmaniasis “hiện đã vượt ngoài tầm kiểm soát” ở Syria, nơi hành động tác oai tác quái của IS đã làm trầm trọng thêm cuộc xung đột kéo dài suốt 5 năm qua.
Tổ chức Raqqa Is Being Slaughtered Silently cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng, các chỉ huy địa phương của IS gần đây đã yêu cầu MSF nối lại hoạt động hỗ trợ y khoa tại Raqqa. Tuy nhiên, MSF đã tỏ ra ngần ngại với yêu cầu này, và theo tiến sĩ Joanne Liu, không có gì đảm bảo các nhân viên của MSF hoạt động tại thành trì của IS sẽ không bị bắt cóc hoặc gây tổn hại.
Ổ dịch bệnh đáng sợ
Leishmaniasis không phải là dịch bệnh duy nhất mà IS phải đối phó. Năm ngoái, 42 trẻ em ở Raqqa đã tử vong vì thalassemia (bệnh thiếu máu Địa Trung Hải). Đây không phải là bệnh nan y nhưng cần được chăm sóc kỹ lưỡng, điều hầu như không tưởng ở Raqqa.
Còn theo Đặc sứ khoa học Mỹ Peter Hotez, khu vực này nói riêng và Syria nói chung cũng đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) ngày càng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.