Ả Rập Saudi lặng lẽ hành quyết nữ giúp việc Indonesia

15/04/2015 12:15 GMT+7

(TNO) Bất chấp thỉnh cầu tha chết của 3 đời tổng thống Indonesia, Ả Rập Saudi hôm 14.4 đã lặng lẽ chặt đầu người phụ nữ từ tỉnh Đông Java bị kết án tử hình năm 2001.

(TNO) Bất chấp thỉnh cầu tha chết của 3 đời tổng thống Indonesia, Ả Rập Saudi hôm 14.4 đã lặng lẽ chặt đầu người phụ nữ từ tỉnh Đông Java bị kết án tử hình năm 2001.
Siti Zaenab Duhri Rupa bị chém đầu hôm 14.4 tại thành phố linh thiêng Medina của Ả Rập Saudi vì tội giết chủ nhà giúp việc năm 1999  - Ảnh chụp màn hình Jakarta Post
Jakarta Post đưa tin Bộ Ngoại giao Indonesia hôm qua có thông cáo cho biết nữ giúp việc Siti Zaenab Duhri Rupa, 47 tuổi, đã bị hành quyết tại thành phố Medina linh thiêng mà không hề có thông báo trước.
“Chính phủ Indonesia bày tỏ niềm đau buồn sâu sắc cùng những người thân yêu của Siti và hy vọng bà ấy được che chở ở một nơi tốt nhất trên thiên đường”, bản thông cáo nói.
Jakarta cũng cho biết họ có công văn phản đối chính quyền Riyadh đã thực hiện việc hành quyết không báo trước và gây sốc cho toàn Indonesia này.
Siti - bà mẹ 2 con ở huyện Bangkalan trên đảo Mudara, tỉnh Đông Java – đã sang vương quốc Trung Đông giúp việc nhà từ năm 1997.
Tháng 10.1999, bà bị bắt do đâm chết chủ nhà người Saudi là bà Nourah binti Abdullah Duhem al-Maruba và bị kết án tử hình tháng 1.2001.
Tuy nhiên, theo luật của Saudi, tử tù tội giết người như Siti chỉ bị hành quyết khi nào con cái của nạn nhân đủ lớn để quyết định có ân xá cho kẻ giết cha/mẹ mình hay không.
Mãi đến năm 2013, con trai út của bà Nourah là Walid bin Abdullah bin Muhsin al-Ahmadi mới tuyên bố với tòa án là không tha chết cho bà Siti.
Ba đời tổng thống xin ân xá
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi thư xin ân xá cho bà Siti đến Quốc vương Ả Rập Saudi.
Trước đó, hai người tiền nhiệm là cố tổng thống Abdurrahman Wahid và tổng thống mãn nhiệm năm 2014 Susilo Bambang Yudhoyono cũng lần lượt gửi thư vào năm 2000 và 2011 xin ân xá cho tội nhân, người được nói là có dấu hiệu bị thần kinh vào thời điểm gây án.
“Chính phủ đã làm mọi thứ để giúp Siti không bị hành quyết bằng cách van xin sự rộng lượng từ các thành viên gia đình nạn nhân. Chính phủ cũng đã chỉ định luật sư chuyên nghiệp Khudran al-Zahrani hỗ trợ pháp cho Siti trong mọi phiên tòa”, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết.
Chưa hết, đích thân nữ Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hồi tháng 3.2015 đã liên hệ với Thứ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi để gặp gỡ gia đình nạn nhân và đề nghị chi khoản “tiền nợ máu” (mà ngôn ngữ xứ Ả Rập gọi là “diyat”) 2 tỉ rupiah (gần 155.000 USD) để mong cứu Siti.
Luật Ả Rập Saudi cho phép tử tội giết người được sống nếu gia đình nạn nhân đồng ý tha chết và nhận tiền “diyat”.
Mức “tiền nợ máu” được các giáo sĩ xứ Ả Rập đặt ra là 200.000 riyal (4.743 USD) đối với tử tội là phụ nữ và 400.000 riyal đối với tử tội nam giới.
Hồi năm 2014, chính phủ Indonesia cũng trả tiền “diyat” để cứu sống công dân của mình là nữ giúp việc Satinah bị kết án tử hình do giết nữ chủ nhà Nura al-Gharib và lấy cắp của nạn nhân 37.970 riyal tại thành phố Gaseem vào tháng 7.2007.
Khốc liệt án tử
Tình trạng người giúp việc Indonesia giết chết chủ nhà tại xứ Ả Rập Saudi giàu có từ lâu đã trở thành một câu chuyện dài đau đớn, mà nguyên nhân được nói xuất phát từ sự hà khắc và đối xử thiếu tình người của những ông bà chủ xứ Trung Đông.
Theo con số từ Bộ Ngoại giao Indonesia, hiện có 45 công dân nước này đang đối mặt với máy chém Saudi do giết chủ nhà mà họ giúp việc.
Chính quyền Jakarta hồi năm 2011 đã ra lệnh tạm ngưng đưa công dân đi giúp việc ở xư này, và yêu cầu chính quyền vương quốc có chính sách nâng mức lương và tăng cường bảo vệ cho người giúp việc Indonesia.
Sắc lệnh này được ban hành sau khi Riyadh chặt đầu người giúp việc Ruyati Satubi, 54 tuổi, vào tháng 6.2011 do giết chết chủ nhà trước đó.
Chính quyền Jakarta chỉ được biết đến vụ án này sau khi việc hành quyết diễn ra.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng liên tục bày tỏ quan ngại trước việc tước mạng sống phạm nhân của chính quyền Saudi.
Tổ chức Ân xá quốc tế đã từng kêu gọi tha chết cho bà Siti, nhưng bất thành.
“Chúng tôi phản đối án tử trong bất kỳ tình huống nào”, tổ chức này lên tiếng.
Tuy nhiên, nỗ lực để cứu các công dân mình khỏi án tử ở nước ngoài của Jakarta lúc này có vẻ rơi vào tình trang “há miệng mắc quai” khi chính Indonesia đã lạnh lùng hành quyết những công dân nước ngoài phạm tội ma túy bất chấp các lời kêu gọi ân xá tử chính phủ nước họ và các tổ chức quốc tế.
Hiện có 299 công dân Indonesia đang mang án tử ở nước ngoài, trong đó 57% phạm tội ma túy.
Indonesia từng tạm ngưng thi hành án tử vào năm 2008, nhưng tái tục năm 2013 dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
Hôm 18.1.2015, nước này đã hành quyết 6 tử tội buôn bán ma túy, trong đó có 5 người nước ngoài gồm một phụ nữ Việt, sau khi tân Tổng thống Joko Widodo quyết liệt bác đơn xin ân xá của họ.
Hiện tại, 10 tử tù khác (9 người nước ngoài, 1 người Indonesia) đã được lên lịch chờ hành quyết, bên cạnh khoảng 130 tử tù khác đang bị giam giữ trong các nhà tù trên khắp quần đảo gần 2 triệu cây số vuông.
Việc hành quyết tập thể ồn ào của chính quyền Jakarta gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng thế giới.
Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc khuyến cáo hành động này làm yếu đi lập trường của Indonesia trong việc bảo vệ công dân mình khỏi án tử ở nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.