8 sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

26/01/2015 08:56 GMT+7

(TNO) Tuần qua, thông điệp liên bang và chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Mỹ đã thu hút sự chú ý của thế giới. Ngoài ra, vụ tổ chức cực đoa Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu một con tin người Nhật cũng gây rúng động dư luận.

(TNO) Tuần qua, thông điệp liên bang và chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Mỹ đã thu hút sự chú ý của thế giới. Ngoài ra, vụ tổ chức cực đoa Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu một con tin người Nhật cũng gây rúng động dư luận.

1. Tổng thống Mỹ đọc thông điệp liên bang
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước Quốc hội ngày 20.1 - Ảnh: AFP
Trong thông điệp liên bang ngày 20.1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra nhiều đề xuất đáng chú ý, từ chuyện tăng thuế người giàu ở Mỹ đến thông tin bỏ cấm vận Cuba. Ông Obama cũng đề cập đến các biện pháp trừng phạt Iran và cuộc chiến chống khủng bố.
Bài phát biểu năm nay của Tổng thống Mỹ được đánh giá cao khi có 81% người Mỹ cho rằng thông điệp liên bang của Tổng thống Obama là “tích cực”.
2. Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tiếp khi ông đến New Dehli ngày 25.1 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du đến Ấn Độ vào ngày 25.1 trong nỗ lực mới nhằm biến nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á thành một đối tác chiến lược lâu dài với Washington. Với chuyến thăm lần này, ông Obama trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đến thăm Ấn Độ hai lần khi đương nhiệm.
3. IS tống tiền 2 con tin Nhật Bản
Hai công dân Nhật bị IS bắt làm con tin, Kenji Goto (trái) và Haruna Yukawa (phải) trong đoạn video IS tung lên mạng - Ảnh: Reuters
Trong một đoạn video tung lên mạng vào ngày 20.1, một thành viên IS cầm dao đứng giữa nhà báo Nhật Bản Kenji Goto và công dân Nhật Bản Haruna Yukawa, đe dọa hành quyết cả hai nếu Tokyo không trả 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ.
Sau đó 4 ngày, IS tung lên mạng một đoạn video tuyên bố đã chặt đầu một trong số hai con tin và muốn trao đổi con tin còn lại để một kẻ đánh bom liều chết ngồi tù ở Jordan được tự do.
4. Quốc vương Ả rập Xê út qua đời
Cố Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah bin Abdulaziz - Ảnh: AFP
Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah bin Abdulaziz qua đời vào ngày 23.1 và Hoàng thái tử Salman là người kế vị ngai vàng.
Trong hai ngày 24 - 25.1, lãnh đạo chính phủ và đại diện hoàng gia của nhiều nước trên thế giới như Thủ tướng Anh David Cameron, Thái tử Charles, Thái tử Nhật Naruhito, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas… lần lượt đến thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út để chia buồn.
5. Mỹ và Cuba hội đàm cấp cao
Một con đường ở thủ đô Havana (Cuba) - Ảnh: Reuters
Cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố hai đất nước sẽ bình thường hóa mối quan hệ diễn ra vào ngày 21 và 22.1.
Mặc dù còn nhiều bất đồng trong các vấn đề quan trọng như nhân quyền, cấm vận và mở lại đại sứ quán của nhau, Cuba và Mỹ đã kết thúc cuộc hội đàm cấp cao nhất trong nhiều thập niên qua với không khí thoải mái và những tín hiệu tích cực.
6. Giao tranh leo thang ở Ukraine
Một chiếc xe tăng của quân chính phủ Ukraine ở làng Tonenke, cách sân bay Donetsk khoảng 5 km - Ảnh: AFP
Trong tuần qua, giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai vẫn nổ ra ác liệt ở miền đông Ukraine giữa lúc Kiev tố Moscow đưa lính và vũ khí hạng nặng vượt biên giới. Đến nay, đã có hơn 4.800 người thiệt mạng trong khuôn khổ các cuộc xung đột giữa các bên tại miền đông Ukraine, theo Reuters.
Trước tình hình này, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 19.1 đã bác bỏ mọi khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
7. Thái Lan luận tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra
Bà Yingluck đối mặt với mức án tù 10 năm - Ảnh: Minh Quang
Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) và Viện Kiểm soát tối cao (OAG) Thái Lan cùng thống nhất khởi tố hình sự đối với bà Yingluck Sinawatra - cựu thủ tướng Thái Lan - trong vụ "trợ giá gạo". Bangkok Post cho biết hai cơ quan này quyết định khởi tố bà cùng với 21 người khác liên quan đến vụ án lên tòa tối cao vào hôm 20.1. Nếu tòa tối cao tuyên có tội, bà Yingluck sẽ bị phạt 10 năm tù.
8. Tiết lộ phút cuối của máy bay Air Asia
Vụ máy bay Air Asia vẫn còn nhiều nghi vấn - Ảnh: AFP
Chuyến bay QZ8501 của AirAsia, chở theo 162 hành khách bị nạn ngày 28.12.2014, được cho là lao lên không trung với tốc độ cực nhanh trước khi mất tín hiệu.
Thân máy bay đã được tìm thấy nhưng vẫn chưa được trục vớt. Dự kiến ngày 28.1 sẽ có báo cáo ban đầu về tai nạn máy bay AirAsia của Indonesia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.