40 năm tình hữu nghị trên không gian

19/07/2015 06:00 GMT+7

Cuộc ghép nối lịch sử các tàu vũ trụ Soyuz-19 (Liên Xô) và Apollo-18 (Mỹ) vào tháng 7.1975 mở đường cho sự hợp tác không gian giữa hai nước.

Cuộc ghép nối lịch sử các tàu vũ trụ Soyuz-19 (Liên Xô) và Apollo-18 (Mỹ) vào tháng 7.1975 mở đường cho sự hợp tác không gian giữa hai nước.

Cựu phi hành gia Thomas Stafford (trái) và Alexey Leonov tại cuộc gặp mặt ngày 15.7 - Ảnh: Reuters
Sứ mệnh lắp ghép Apollo-Soyuz được tiến hành vào ngày 17.7.1975 đã giúp chấm dứt cuộc chạy đua khai phá không gian giữa Liên Xô và Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hợp tác không gian của 2 nước cho đến hôm nay, mà thành quả nổi bật là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được đưa vào hoạt động từ năm 1998.
Tất cả vì nhân loại
Thời điểm trước năm 1975, Liên Xô và Mỹ đều đã tiến hành một loạt sứ mệnh chinh phục không gian trong suốt gần 15 năm, song cả hai nước vẫn chưa hợp tác để có thể giúp đỡ lẫn nhau trong những trường hợp khẩn cấp. Lúc này, Liên Xô đã phóng được vệ tinh nhân tạo Sputnik vào quỹ đạo, đưa con người vào không gian. Đến tháng 3.1965, Liên Xô đạt được thành tựu to lớn khi có phi hành gia đầu tiên đi bộ ngoài không gian. Bốn năm sau, Mỹ cũng ghi tên vào lịch sử khi các phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đổ bộ lên mặt trăng.
Theo trang tin Nga RBTH, Liên Xô và Mỹ lần đầu thảo luận khả năng kết nối 2 tàu vũ trụ vào tháng 10.1970. Hai năm sau, hai nước ký thỏa thuận cho một sứ mệnh không gian chung có tên “Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz”. Mục tiêu chính của kế hoạch là thiết kế và xây dựng một hệ thống kết nối quốc tế, cho phép 2 tàu vũ trụ khác nhau kết nối trong quỹ đạo, tạo cơ hội cho các phi hành đoàn đẩy mạnh hợp tác thí nghiệm. Chính Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon đã khởi xướng ý tưởng thiết lập sứ mệnh không gian chung kể trên.
Kể từ đó, các nhà khoa học và phi hành gia Liên Xô và Mỹ được đào tạo không chỉ tại quê nhà mà còn ở nước đối tác. Sau 4 năm lên kế hoạch, sứ mệnh Apollo-Soyuz được tiến hành ngày 15.7.1975. Tàu Soyuz-19 chở theo các phi hành gia Alexey Leonov và Valery Kubasov đã được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur (nay thuộc Kazakhstan) và 7 tiếng rưỡi sau, tàu Apollo-18 mang theo các phi hành gia Thomas Stafford, Vance Brand và Deke Slayton được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ).
Cái bắt tay lịch sử
 
Cái bắt tay lịch sử trong không gian giữa ông Leonov (trái) và Stafford sau khi 2 tàu vũ trụ kết nối nhau ngày 17.7.1975 - Ảnh: CNN
Hai ngày sau khi rời khỏi mặt đất, tức đêm 17.7.1975, các phi hành gia Liên Xô và Mỹ tiến hành kết nối hai tàu vũ trụ, mở ra một cuộc tao ngộ lịch sử giữa hai cường quốc về không gian. Thế nhưng, để có được cuộc gặp trên, các phi hành gia đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ cùng một loạt hạn chế khác do nhiều kế hoạch được xếp vào loại tuyệt mật.
Ngoài ra, sau khi tàu Soyuz đã được gắn trên bệ phóng thì mọi người mới phát hiện ra rằng hệ thống truyền hình trên tàu không hoạt động. Bộ phận điều khiển dưới đất buộc phải hướng dẫn các phi hành gia sửa chữa khi họ đã đi vào quỹ đạo. Các phi hành gia Nga đã thức suốt đêm để phục hồi hệ thống truyền hình. Về phía Mỹ, các phi hành gia cũng có một đêm mất ngủ do bộ phận kết nối gặp trục trặc, có thể cản trở các nhà du hành di chuyển từ tàu Apollo đến Soyuz. Nếu không sửa chữa kịp, cuộc gặp lịch sử rất có thể bị hoãn lại. Tuy nhiên, hai nhóm phi hành gia đều nỗ lực làm việc suốt đêm và đã kịp khắc phục mọi rắc rối.
Điều đặc biệt là cả Liên Xô và Mỹ đều đưa những phi hành gia ưu tú nhất thực hiện sứ mệnh quan trọng này. Nhân vật đứng đầu phi hành đoàn Liên Xô, ông Alexey Leonov, là người đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian vào năm 1965; trong khi chỉ huy trưởng Apollo-18, thiếu tướng Thomas Stafford, từng 4 lần bay vào vũ trụ.
Trong suốt hơn 5 ngày diễn ra sứ mệnh Apollo-Soyuz, hai phi hành đoàn đã giải quyết thành công mọi nhiệm vụ đặt ra: kết nối hai tàu vũ trụ, thực hành di chuyển từ tàu vũ trụ này sang tàu khác, thiết lập sự tương tác giữa hai trung tâm kiểm soát sứ mệnh và tiến hành mọi thí nghiệm khoa học theo kế hoạch. Vào thời điểm hai tàu kết nối nhau trong không gian, cụ thể là trên bầu trời sông Elbe (Đức), cả hai ông Leonov và Stafford đã bắt tay nhau và cuộc gặp lịch sử này đã được truyền hình trực tiếp với sự theo dõi của hàng triệu người trên thế giới.
Sứ mệnh được mệnh danh là “cái bắt tay trong không gian” đã trở thành một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất khi ấy, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của mối lương duyên giữa hai cường quốc không gian hàng đầu thế giới. Vào thời điểm đó, theo Đài CNN, phi hành gia Mỹ Stafford đã phát biểu rằng: “Lúc chúng tôi mở cửa tàu vũ trụ, chúng tôi cũng đã mở ra cho trái đất một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại”.

Tình bạn xuyên biên giới

Sứ mệnh Apollo-Soyuz được tiến hành 40 năm về trước đã giúp làm tan băng căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ; đồng thời nó cũng giúp gắn kết tình bạn giữa chỉ huy phi hành đoàn hai nước. Ông Leonov và Stafford đã trở thành đôi bạn thân và vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ này trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Tình cảm giữa hai ông thể hiện rõ khi họ hội ngộ tại lễ kỷ niệm 40 năm dự án Apollo-Soyuz diễn ra tại Bảo tàng Vũ trụ Moscow (Nga) ngày 15.7, theo CNN. “Chúng tôi nói chuyện bằng điện thoại hầu như mỗi ngày. Và thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau tại Mỹ hoặc ở Nga. Nhà của tôi cũng là nhà của Stafford”, ông Leonov, 81 tuổi, tiết lộ trên Đài RT.
Còn cựu phi hành gia Stafford, nay đã 84 tuổi, kể rằng chính Leonov đã hỗ trợ ông rất nhiều trong việc nhận nuôi 2 con trai người Nga. Cháu trai của ông Stafford còn được đặt tên là Alexey, theo tên của cựu phi hành gia Nga.
Tại buổi lễ kỷ niệm, ông Leonov cũng kể thêm về “cái bắt tay lịch sử” năm xưa: “Chúng tôi định mở cửa tàu vũ trụ và bắt tay ngay trên bầu trời Moscow, song việc này đã diễn ra trên bầu trời sông Elbe (Đức) do chúng tôi tiến hành sớm hơn dự kiến 20 phút. Thử tưởng tượng xem, vào năm 1945, ông cha chúng ta gặp nhau trên dòng sông Elbe và 30 năm sau, con cháu họ lại gặp nhau tại đây”. Vào năm 1945, quân Mỹ và Liên Xô đã cùng tham gia cuộc chiến đẩy lùi Đức Quốc xã.
Khi được hỏi liệu căng thẳng hiện nay giữa Nga và Mỹ có thể tác động đến chương trình ISS hay không, ông Stafford đã chia sẻ: “Căng thẳng hiện nay không là gì so với tình trạng căng thẳng chúng tôi từng đối mặt thời đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh lạnh. Nó đã không thể ảnh hưởng việc hợp tác không gian của chúng tôi và giờ cũng không ảnh hưởng đến những gì đang diễn ra tại ISS”.
Mặc dù mối quan hệ Mỹ và Nga hiện lạnh nhạt do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine song hai nước vẫn tiếp tục hợp tác lĩnh vực không gian. Theo Đài RT, di sản của sứ mệnh Apollo-Soyuz vẫn giúp gắn kết sự hợp tác giữa các chương trình không gian của Nga và Mỹ. Nó là nền tảng giúp tạo ra ISS, hiện chứa 2 phi hành gia Nga và 1 phi hành gia Mỹ. Sắp đến, trạm không gian này sẽ tiếp đón thêm 3 phi hành gia Nga, Mỹ và Nhật Bản. Họ sẽ được đưa lên bằng con tàu Soyuz TMA-17, được phóng vào ngày 22.7. Cả 6 phi hành gia sẽ cùng làm việc chung cho đến trước Giáng sinh, thời điểm họ sẽ trở lại trái đất.
   
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.