15 năm sau vụ 11.9, Mỹ vẫn chìm trong cuộc chiến chống khủng bố

11/09/2016 11:29 GMT+7

Vụ tấn công khủng bố 11.9.2001 đã thay đổi nước Mỹ và khiến nước này chìm trong cuộc chiến chống khủng bố không hồi kết thúc trong vòng 15 năm qua.

Ông Barack Obama, sẽ rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 1.2017, là vị Tổng thống Mỹ cố đưa quân đội Mỹ ra khỏi tình trạng sa lầy trong “cuộc chiến chống khủng bố” ở Iraq và Afghanistan do người tiền nhiệm là cựu Tổng thống George W. Bush khởi xướng để đáp trả vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, khiến gần 3.000 người chết, theo AFP.
Ông Obama nỗ lực rút lính Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, nhưng lực lượng quân sự Mỹ vẫn còn hiện diện tại hai quốc gia này.
AFP dẫn lời các chuyên gia nhận định, mặc dù ông Obama nỗ lực thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo, nhưng ông sẽ rời khỏi Nhà Trắng, để lại cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan không hồi kết thúc tại Mỹ và nước ngoài.
Bà Tamara Cofman Wittes, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings (thủ đô Washington, Mỹ) cho hay mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan buộc ông Obama phải tiếp tục can thiệp quân sự vào Iraq, rồi Syria và Libya.
“Những cuộc chiến ở Trung Đông, chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cùng hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở châu Âu và các thành phố ở Mỹ vừa qua khiến cho cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố khó kết thúc, thậm chí 15 năm sau vụ 11.9”, bà Wittes viết trong báo cáo đăng trên website của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Mỹ vẫn còn can thiệp quân sự, dù ở mức giới hạn hoặc chỉ là hỗ trợ hậu cần quân sự, ở Afghanistan, Nigeria, Somalia và Yemen, theo bà Wittes.
“Tư tưởng của chính quyền Obama là những cuộc chiến quy mô lớn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, ông Hussein Ibish, một học giả thuộc Viện nghiên cứu các quốc gia Ả Rập ở Washington, nhận định.
Và chính quyền ông Obama đã mở ra một kỷ nguyên mới khi tiến hành các cuộc chiến ở nước ngoài với “nguồn lực giới hạn”, theo ông Ibish.
Dưới thời ông Obama, tổn thất về con người và tài chính trong các cuộc chiến giảm đáng kể sau khi 5.300 lính Mỹ thiệt mạng, 50.000 binh sĩ bị thương với 1,6 nghìn tỉ USD chi cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan trong giai đoạn 2001-2014, theo số liệu báo cáo của Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama Reuters
Chiến lược của ông Obama đạt được thành công lớn nhất vào tháng 5.2011, khi đó một nhóm lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ tiêu diệt được trùm khủng bố al-Qaeda là Obama bin Laden - người đứng sau vụ tấn công khủng bố 11.9 - khi bin Laden và gia đình trú ẩn ở Pakistan.
Theo ông Ibish, chiến lược can thiệp quân sự hạn chế các nguồn lực tham gia nhằm cắt giảm tổn thất chỉ khiến chiến tranh kéo dài và không có hồi kết.
Theo AFP, hai ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton hiện cũng không hề có bất kỳ kế hoạch tiếp tục can thiệp quân sự vào Trung Đông.
15 năm sau khi tòa tháp đôi sụp đổ, mãi mãi thay đổi bầu trời New York, ông Obama nói mối đe dọa khủng bố mà Mỹ phải đối mặt ngày càng gia tăng, đồng thời nhắc đến những vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” ở Mỹ, như vụ thảm sát hộp đêm ở Orlando vào tháng 6.2016.
“Vì thế ở Afghanistan, Iraq, Syria, chúng ta sẽ kiên quyết chống bọn khủng bố như al-Qaeda và IS. Chúng ta sẽ tiêu diệt khủng bố. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để bảo vệ đất nước”, ông Obama nói trong bài phát biểu ngày 10.8 tại Washington.
Phát biểu của ông Obama cho thấy Washington vẫn còn lo sợ những vụ tấn công khủng bố quy mô nhỏ ngay trên đất Mỹ, chẳng hạn vụ xả súng hộp đêm ở Orlando khiến 49 người chết và vụ tấn công ở San Bernardino hồi tháng 12.2015 khiến 14 người thiệt mạng.
Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 40% người dân Mỹ vẫn lo sợ các phần tử khủng bố ngày nay có khả năng tiến hành những vụ tấn công quy mô lớn hơn vụ 11.9.
Vào ngày 10.9, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra “khuyến cáo trên toàn thế giới” về nguy cơ tấn công khủng bố sau khi IS kêu gọi những người ủng hộ tấn công công dân Mỹ và những quốc gia tham gia liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.