Thế giới trước hiểm họa viêm phổi Vũ Hán

30/01/2020 06:31 GMT+7

Hôm nay (30.1), Tổng giám đốc WHO dự kiến triệu tập cuộc họp khẩn cấp cùng các chuyên gia để xác định liệu dịch viêm phổi Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.

Dịch viêm phổi đã bùng nổ ở TP.Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi lan khắp châu Á và phần còn lại của thế giới, với ca lây nhiễm đầu tiên được xác nhận ở Trung Đông hôm 29.1.

Nguy cơ Vũ Hán thứ hai

Kinh tế bị tổn thương

Ngày càng có thêm nhiều hãng hàng không nước ngoài tuyên bố ngừng hoặc giảm các chuyến bay đến Trung Quốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán, trong đó có Air France, British Airways, Cathay Pacific, Finnair, Lion Air, United Airlines. Vi rút Corona mới đang làm rúng động các thị trường thế giới và bắt đầu tạo nên ảnh hưởng đối với kinh tế Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô Toyota tuyên bố đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc ít nhất đến ngày 9.2, trong khi chuỗi cà phê Starbucks đóng cửa hơn phân nửa số cửa hàng ở nước này.

Đài CNBC dẫn lời nhà kinh tế học Tommy Wu của tổ chức dự đoán “lần này, tầm ảnh hưởng kinh tế sẽ còn thảm khốc hơn trong giai đoạn bùng nổ dịch SARS”. Một ví dụ rõ ràng là Macau gần như trở thành “thành phố ma” vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, khiến giá cổ phiếu của các công ty vận hành sòng bạc giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 29.1, cao nhất là 6%.
Tính đến hôm qua, Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC) cho hay số người chết vì viêm phổi Vũ Hán tăng lên 132 người, theo Reuters. Giới hữu trách cũng xác nhận thêm 1.459 ca nhiễm mới, tăng hơn 30% so với một ngày trước đó. Trong số này, 840 trường hợp được phát hiện tại tỉnh Hồ Bắc, với thủ phủ Vũ Hán - được cho là nơi xuất phát của vi rút Corona mới (hiện tạm gọi là 2019-nCoV). Điều đáng quan ngại hơn là tổng số trường hợp viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc đại lục đã tăng lên con số 5.974 hôm 29.1, chính thức vượt qua dịch SARS vào năm 2003 là 5.327 ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, NHC thừa nhận tổng số ca nghi nhiễm tính đến hết ngày 28.1 là 9.239.
Cùng ngày, Tây Tạng, khu vực cuối cùng thuộc Trung Quốc đại lục chưa có tên trên danh sách bị lây nhiễm trước ngày 29.1, đã xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào hôm qua. Giới chức Bắc Kinh cũng cảnh báo số ca nhiễm ở thủ đô Trung Quốc đang gia tăng, đồng thời nguy cơ lây lan tăng theo. Hiện chưa có số liệu cụ thể về tình hình dịch bệnh tại Bắc Kinh vào thời điểm này, nhưng theo số liệu trước đó, nhà chức trách xác nhận 1 ca tử vong và 102 ca viêm phổi, theo Reuters. Còn Đài CNN dẫn thông tin của Cục Du lịch và Văn Hóa Vũ Hán, tính đến ngày 27.1, vẫn còn 4.096 công dân thành phố này đi du lịch nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán và chưa quay lại.
Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc Vương Hiểu Đông lên tiếng cảnh báo về thành phố Hoàng Cương, cách Vũ Hán khoảng 78 km. “Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Hoàng Cương, tổng cộng số ca nhiễm bệnh và nghi nhiễm đã hơn 1.000 trường hợp. Chúng tôi không cho phép Hoàng Cương trở thành Vũ Hán thứ hai”, theo báo South China Morning Post.
Cho đến ngày 29.1, vẫn chưa có ca tử vong vì viêm phổi Vũ Hán ngoài Trung Quốc, nhưng đã có 91 trường hợp nhiễm vi rút 2019-nCoV tại ít nhất 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, Đài Loan, Đức, Nhật Bản và VN xác nhận các ca lây nhiễm từ người sang người. Trung Đông đã xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, sau khi UAE lên tiếng xác nhận 4 người trong cùng một gia đình đến từ Vũ Hán đã nhiễm vi rút, Hãng thông tấn WAM đưa tin.
Phần Lan công bố ca nhiễm vi rút đầu tiên trên lãnh thổ nước này sau khi kiểm tra một du khách đến từ Vũ Hán. Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan ước tính bệnh nhân có lẽ đã tiếp xúc khoảng 15 người, theo Reuters.

Dịch chưa đến đỉnh điểm

Nhiều nước sơ tán công dân

 
Theo Hãng thông tấn Tass, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin chỉ đạo cơ quan quản lý an toàn tiêu dùng hãy soạn thảo và đệ trình kế hoạch nhằm ngăn chặn vi rút gây viêm phổi Vũ Hán lây lan. Kazakhstan đình chỉ các tuyến giao thông đường bộ và đường hàng không với Trung Quốc, và ngưng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc nhập cảnh nước này.

Còn theo báo Rodong Sinmun, CHDCND Triều Tiên xem việc ngăn chặn sự lây lan dịch viêm phổi Vũ Hán là “vấn đề tồn vong của quốc gia”. Chính quyền Bình Nhưỡng quyết định cách ly một tháng đối với tất cả những người nước ngoài nhập cảnh từ Trung Quốc. Bộ Y tế Ấn Độ cũng thúc giục công dân không nên đến Trung Quốc vào thời điểm này. Mông Cổ đóng cửa các chốt biên giới với Trung Quốc.

Đến hôm qua, Nhật Bản bắt đầu đưa công dân ở ổ dịch về nước, trong khi chuyến bay đặc biệt chở hơn 200 người Mỹ đã đến Ontario, bang California. Hàn Quốc lên kế hoạch gửi máy bay sơ tán công dân khỏi Vũ Hán vào ngày 30.1, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị hành động tương tự trong vài ngày tới. Còn Úc cho hay sẽ đưa những người sơ tán đến đảo Giáng Sinh, nơi giữ những người vượt biên xin tị nạn tại Úc. Anh, Pháp, Ấn Độ và một số nước khác cũng thông báo chiến dịch tương tự, theo AFP.
Trong lúc tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, chuyên gia Chung Nam Sơn, người phát hiện vi rút Corona gây dịch SARS năm 2003, dự báo dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm. Ông dự đoán dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong vòng 7 - 10 ngày tới, theo Tân Hoa xã.
Còn các học giả của Đại học Hồng Kông tính toán được số ca nhiễm vi rút tại 5 thành phố lớn tại đại lục, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Trùng Khánh, có thể lên đến đỉnh điểm từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Chuyên gia Lý Hưng Vượng tại Bệnh viện Địa Đàn Bắc Kinh cảnh báo 2019-nCoV có thể lây nhiễm ở khoảng cách 2 m. Ông nhấn mạnh vi rút Corona mới có thể lây nhiễm thông qua mắt hoặc các vùng niêm mạc, và các triệu chứng không nhất thiết là viêm phổi mà có thể chỉ là cơn sốt nhẹ. Đây là điều đã xảy ra đối với những ca nhiễm mới vừa được xác nhận tại Đức hôm 29.1, theo Reuters.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thừa nhận mắc sai sót trong quá trình đánh giá dịch viêm phổi Vũ Hán, mà tổ chức này dùng từ “lỗi trong các diễn đạt” trong các báo cáo từ ngày 23 - 26.1. WHO đã điều chỉnh mức rủi ro từ “trung bình” trong những báo cáo này và nâng lên mức “rất cao ở Trung Quốc, cao ở mức khu vực và thế giới”. Tuy nhiên, WHO tin vào năng lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, theo Tân Hoa xã. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, thừa nhận nước này đang đối mặt với sứ mệnh “ác liệt và đầy phức tạp” nếu muốn dập tắt dịch bệnh.
Đến tối qua (29.1), truyền thông quốc tế đưa tin Tổng giám đốc WHO quyết định một lần nữa triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các chuyên gia vào ngày 30.1, để xác định liệu dịch viêm phổi Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Nga gia nhập nỗ lực điều chế vắc xin
Hãng thông tấn Tass dẫn lời chuyên gia Sergei Netesov, Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ nano sinh học, vi sinh vật học và vi rút học của Đại học bang Novosibirsk (Nga), dự đoán 2019-nCoV sẽ tiếp tục đà lây lan trong vòng 2 tuần nữa. Hiện chưa có vắc xin và giới khoa học không nắm nhiều thông tin về chủng vi rút mới, nhưng sự hợp lực của thế giới đang hứa hẹn kết quả khả quan.
Các đội ngũ nghiên cứu Hồng Kông và Úc đã tái tạo thành công vi rút Corona trong phòng thí nghiệm, từ đó các phòng thí nghiệm trên toàn cầu sẽ tiếp cận được những thông tin đóng vai trò then chốt trong nỗ lực điều chế vắc xin, theo Đài ABC.
Reuters hôm qua dẫn thông tin từ lãnh sự quán Nga ở TP.Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết Nga và Trung Quốc đang hợp tác điều chế vắc xin và Bắc Kinh đã trao chuỗi gien di truyền của vi rút Corona mới cho Moscow. Theo sau dịch viêm phổi bùng phát ở Vũ Hán, Đại học Thanh Hoa quyết định cho phép truy cập miễn phí Cơ sở hạ tầng Kiến thức quốc gia Trung Quốc (CNKI.net) từ đây cho đến ngày 1.7. Đây là bước đi nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trên toàn cầu nghiên cứu thông tin di truyền của 2019-nCoV từ xa. Tính đến hôm qua, vi rút Corona mới là từ được tìm kiếm nhiều nhất trên CNKI.net, cơ sở dữ liệu với hơn 120 triệu người đăng ký, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.