Xe hỏng do ký túc xá ngập nước, sinh viên đòi bồi thường được không?

29/09/2016 20:11 GMT+7

Khoảng 850 xe máy để ở tầng hầm ký túc xá ĐHQG TP.HCM bị chìm trong nước dẫn đến hư hỏng nặng; tuy nhiên, ban quản lý ký túc xá chỉ hỗ trợ mỗi xe 60.000 đồng. Trường hợp này sinh viên đòi bồi thường được không?

Sau cơn mưa to khủng khiếp ngày 26 và trận mưa tiếp theo ngày 27.9 đã nhấn chìm hàng trăm xe máy của sinh viên gởi ở tầng hầm ký túc ĐHQG (thuộc khu vực Làng Đại học, phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP.HCM). Khi mưa tạnh, nước rút, phần lớn những chiếc xe được gởi tại đây hư hỏng nặng và ban quản lý ký túc xá quyết định hỗ trợ mỗi trường hợp 60.000 đồng để sửa xe.
Nhiều sinh viên cho rằng, số tiền hỗ trợ quá ít, "không biết để làm gì" và đề nghị ban quản lý ký túc xá cần có trách nhiệm hơn.
 
[CLIP] Sinh viên ý kiến về việc Ban quản lý ký túc xá cần hỗ trợ sinh viên nhiều hơn - Thực hiện: Kỳ Hoa
Nhìn thấy xe muốn khóc 
Vì số tiền hỗ trợ quá ít, dẫn đến việc sinh viên phản ứng. N.M. (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết xe mua được ba tháng, giá 16 triệu đồng, giờ đem đi sửa được báo chi phí đến 8 triệu đồng. “Nhưng ký túc xá chỉ hỗ trợ 60.000 đồng thì thử hỏi làm được gì?!”, N.M. than thở.
Rất nhiều sinh viên có chung phản ánh, cho rằng số tiền 60.000 đồng quá ít so với số tiền phải bỏ ra sửa xe. “Nhìn chiếc xe đầy bùn đất, chỉ rửa xe thôi đã tốn 30.000 đồng. Thử hỏi 30.000 đồng còn lại thì làm được gì. Nói thiệt là em muốn bỏ luôn cái xe”, K.L. (sinh viên Trường ĐH Bách khoa) tỏ vẻ ngán ngẩm.
T.V., (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) thì kể lại: “Lúc lôi xe lên từ hầm ký túc xá, đã phát khóc. Vì chỉ sau hai đêm ngâm nước, từ cái xe mới bỗng giống như… đống sắt vụn”. Cũng theo T.V., không chỉ riêng cô gái này mà nhiều sinh viên cũng ứa nước mắt khi nhìn thấy xe mình biến dạng, hư hỏng nặng, không thể khởi động,…
Hàng trăm xe máy của sinh viên bị hư hỏng do chìm trong nước Ảnh: Kỳ Hòa
Khi trò chuyện với chúng tôi, hầu hết sinh viên đều mong muốn được ký túc xá hỗ trợ nhiều hơn. “Vì sinh viên bỏ tiền ra để đóng phí giữ xe, thì yêu cầu ý túc xá phải có trách nhiệm khi không đảm bảo được tài sản của sinh viên. Thật không công bằng khi hỗ trợ quá ít trong khi chi phí sữa chữa đội giá quá cao”, N.M., nói thêm. “Hoặc phải hỗ trợ tối thiểu 50 – 60%”, T.V. nói.
Kiện được không?
Theo luật sư Phạm Tấn Thuấn, Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, điều này tùy thuộc vào hợp điều khoản trong thỏa thuận. Giữa người gửi xe và giữ xe tồn tại hợp đồng gởi - giữ, quan trọng là hợp đồng gởi - giữ ràng buộc trách nhiệm các bên như thế nào, chuyện ngập nước hư hỏng xe có quy định trong thỏa thuận hay không.
Thứ hai, về quy định của pháp luật dân sự, bãi giữ xe để nước ngập, gây ảnh hưởng, hư hỏng đến tài sản của người gởi, đương nhiên chủ bãi giữ xe phải chịu trách nhiệm, người giữ có quyền yêu cầu bồi thường theo thiệt hại thực tế đã xảy ra. Tuy nhiên, cũng cần xét đến các yếu tố khách quan (mưa là hiện tượng thời tiết bất khả kháng, vị trí hệ thống bãi giữ xe, tiêu chí PCCC...) trong trường hợp yêu cầu bồi thường để xác định lỗi tới đâu thì yêu cầu bồi thường đến đó.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Văn phòng luật sư Hoa Sen TP.HCM, cho biết: Cần lưu ý là xe gửi trong hầm chung cư, tòa nhà thì có thể yêu cầu bồi thường. Bởi về quy định về thiết kế, kỹ thuật thì công trình đó phải chịu được lượng mưa nhất định và đảm bảo không bị ngập nước… 
“Theo đó, việc sinh viên ta thán, muốn khởi kiện ký túc xá vì được hỗ trợ quá ít trong khi xe hư hỏng nặng như thế, thì về nguyên tắc, sinh viên có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, để được chấp nhận hay không lại là một câu chuyện khó, chưa thể biết được tòa án chấp nhận hay không”, luật sư Thi nói.
Sinh viên cho rằng việc hỗ trợ 60.000 đồng là quá ít trong khi sinh viên phải bỏ ra tiền triệu, thậm chỉ chục triệu để sửa xe Ảnh: Kỳ Hòa
“Nếu muốn khởi kiện thì sinh viên phải chứng minh mình thiệt hại từ việc bị nước ngập là bao nhiêu, chi phí đã bỏ ra để sửa chữa. Về thủ tục thì có quyền khởi kiện ở TAND cấp quận, huyện nơi có KTX, ở đây là huyện Dĩ An, Bình Dương".
"Khi đó KTX sẽ cho rằng vì trời mưa lớn là ngoài khả năng nhận biết của nhà trường, nên thuộc trường hợp bất khả kháng, nên sẽ loại trừ trách nhiệm bồi thường. Khi đó sinh viên buộc phải chứng minh nhà trường phải dự liệu được và phải có các biện pháp chống ngập, phải chứng minh hồ sơ thiết kế kỹ thuật của KTX chịu được lượng mưa tới đâu… Nói chung là sẽ khó khăn”, luật sư Thi nhìn nhận.
Cũng theo luật sư Thi, trong những cơn mưa bằng hoặc nhỏ hơn cơn mưa ngày 26.9 mà cũng làm ngập, hư hỏng xe thì KTX phải bồi thường. Bởi lẽ sau cơn mưa ngày 26.9 thì bãi xe tầng hầm KTX đã biết. Nên nó sẽ không còn là sự kiện ngoài dự đoán và không còn là sự kiện bất khả kháng nữa. Khi đó thì mọi hư hỏng sẽ phải được bồi thường mà không cần phải chứng minh.
Theo điều 166 Bộ Luật dân sự 2005 quy định: Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ở khoản 1, Điều 161 quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ở khoản 2, Điều 302 Bộ Luật dân sự nêu, trong trường hợp bên có nghĩa vụ (nhận giữ xe) không thể thực hiện nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trong Khoản 2, Điều 561 về quyền của bên gửi giữ tài sản quy định: Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.