Văn hóa ứng xử của không ít người trẻ 'có vấn đề'

15/02/2017 10:29 GMT+7

Nhiều chuyên gia tâm lý nhìn nhận như vậy. Và, theo họ, nếu không có cách điều chỉnh đúng đắn kịp thời, chắc chắn những cái ác, cái xấu sẽ nảy sinh ngày càng nhiều, khiến xã hội bất an.

Giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm
Ngày 12.2, dư luận cảm thấy sốc khi chứng kiến đoạn phim ghi lại hình ảnh hai cô gái đánh một nữ sinh ngay trước cổng Trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Nguyên nhân chỉ vì xích mích trên mạng xã hội.
Rất nhiều sự việc tương tự đã diễn ra suốt thời gian qua, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhưng người trong cuộc, là những người trẻ, không ngần ngại “choảng” nhau.
Trong dịp nghỉ tết vừa qua, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày có gần 4.500 người phải nhập viện vì đánh nhau, đặc biệt trong đó có rất nhiều người trẻ.
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, những câu chuyện ấy đáng báo động, nói lên một sự thật là có một bộ phận người trẻ ngày càng hung hãn, sẵn sàng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng nắm đấm. “Họ muốn giành phần thắng trong các cuộc tranh cãi, vì muốn chứng minh bản lĩnh bản thân, họ đã để “cái tay nhanh hơn cái đầu”, thể hiện ra ngoài những biểu hiện hung tính, dễ dàng chọn bạo lực là kiểu hành xử, dẫn đến những hậu quả đáng buồn”, ông Sơn nói.
Văn hóa ứng xử của không ít người trẻ “có vấn đề” 1
Chỉ vì xích mích trên Facebook, 2 cô gái đánh nhau chí mạng Ảnh: cắt từ clip
“Nhìn ở góc độ xa hơn, văn hóa ứng xử cộng đồng và ứng xử với con người của một bộ phận người trẻ thực sự có vấn đề”, ông Sơn nói thêm.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trưởng bộ môn công tác xã hội, Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cũng cho rằng thật sự đáng buồn và cảm thấy nguy hiểm khi độ tuổi tham gia vào các vụ bạo lực, “choảng” nhau càng ngày càng trẻ. Điều này minh chứng là tuổi càng trẻ thì khả năng kiểm soát cảm xúc không tốt.
Còn tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM, nhận định: “Văn hóa ứng xử của không ít người trẻ hiện nay đang có vấn đề, họ thực hiện các hành vi trong văn hóa ứng xử không chuẩn mực, hơi lệch lạc”.

Văn hóa ứng xử của không ít người trẻ “có vấn đề” 2
Những biểu hiện lệch lạc
Theo ông Quân, có khá nhiều biểu hiện về văn hóa ứng xử lệch lạc của người trẻ đã và đang diễn ra hằng ngày. Họ không đặt đúng vai trò, vị trí của bản thân, luôn xem mình là số 1, là duy nhất, người khác thua mình. Khi có những bất đồng, mâu thuẫn xảy ra, họ ít nhìn nhận vấn đề một cách cặn kẽ, xem nguyên nhân bắt đầu từ đâu, cũng như lắng nghe người đối diện… nên hành xử không đúng mực.
Một số người trẻ thể hiện bản thân đi ngược lại những chuẩn mực của xã hội, luôn muốn “lấy số, lấy má” với người khác. Họ coi như vậy là “anh hùng” hơn người. Muốn chứng tỏ bản thân, họ “ăn thua đủ”, sẵn sàng lao vào các cuộc ẩu đả, muốn có kiểu thời trang khác người, tham gia đua xe, ăn chơi trác táng…
Ngoài ra, biểu hiện của văn hóa ứng xử của người trẻ “có vấn đề”, đó là trong khi nhiều người có xu hướng thể hiện bản thân ở tri thức, ở cách hành xử văn minh, cố gắng đóng góp cho xã hội… thì họ lại thích gì làm nấy, mặc kệ người khác, chỉ miễn sao bản thân nổi bật.
Văn hóa ứng xử của không ít người trẻ “có vấn đề” 4
Đừng làm xã hội bất an
Các chuyên gia cũng chỉ ra rất nhiều hệ lụy khi văn hóa ứng xử của không ít người trẻ “có vấn đề”. Đó là góp phần gây nên những vụ mâu thuẫn, xung đột, ẩu đả, mà những vụ bạo lực học đường ngày càng nhiều, những con số gây sốc với hàng ngàn người nhập viện vì đánh nhau trong vài ngày… là minh chứng rõ nét nhất. Điều này sẽ tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt người khác, tạo ra những “điểm trừ”, điểm tiêu cực trong lý lịch cá nhân… “Chưa kể, khi những người chưa có văn hóa ứng xử phù hợp này trở thành cha mẹ, nếu không thay đổi, họ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ con cái sau này”, ông Quân nói.
Theo ông Long, người trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, đừng góp thêm vào xã hội những chuyện buồn, tiêu cực bằng hành vi ứng xử không có văn hóa nữa. Thay vào đó, mỗi ngày trôi qua hãy sống tốt với bản thân, với những người xung quanh mình thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra cả.
Theo ông Sơn, những ứng xử không văn hóa, bạo lực lên ngôi từ người trẻ như vậy đã khiến nhiều người nơm nớp lo sợ, bất an khi ra đường.
“Qua những vụ việc đánh nhau trong ngày tết vừa qua, có thể nhận thấy một bộ phận giới trẻ đang có dấu hiệu băng hoại đạo đức một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ nhiều điều, trong đó việc người trẻ không làm chủ được hành vi của mình, có những thói quen hung hãn, là một trong những nguyên nhân gây nên vấn đề tiêu cực trên”, ông Sơn nói.
Kiểm soát cơn giận
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, chia sẻ: “Cần áp dụng những nguyên tắc, đó là rời khỏi môi trường, không khí căng thẳng đang diễn ra. Hãy bỏ đi một nơi khác, suy nghĩ đến những chuyện khác. Và hãy đặt vào vị trí người khác, nhìn nhận vấn đề thấu đáo để có những phản ứng phù hợp. Ngoài ra, dù bực tức muốn tấn công người khác đi nữa, thì cũng hãy nghĩ đến những hệ lụy, hậu quả có thể xảy ra nếu bộc lộ cảm xúc, để cảm xúc cơn giận dữ xảy ra”, ông Quân hướng dẫn.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, khuyên: “Hãy thường xuyên tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tập thể để giúp cân bằng tâm lý, tạo tinh thần thoải mái sẽ dễ dàng vượt qua cơn giận dữ hay kiểm soát cảm xúc tốt hơn”.
Trong trường hợp va chạm giao thông, ông Quân khuyên dù có lỗi hay không thì cũng luôn luôn để câu xin lỗi là câu nói cửa miệng. Bên cạnh đó, cần nhìn người khác bằng ánh mắt thiện cảm, bằng thái độ chân thành. Thái độ ban đầu rất quan trọng, nếu chân thành xin lỗi sẽ khiến đối phương hạ nhiệt, và ẩu đả không xảy ra.
Còn khi đang nói chuyện, có mâu thuẫn đừng vội dùng “nắm đấm”. Đừng cự cãi khiến xung đột tăng lên, mà hãy rời vị trí, rời khỏi cuộc tranh cãi. Sau khi bình tĩnh hãy nói chuyện với nhau.
Nên chứng tỏ mình ở năng lực học tập, sự hiểu biết
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn khuyên bạn trẻ cần có sự tỉnh táo trong giải quyết mọi mâu thuẫn. Nếu cứ muốn giải quyết mọi việc bằng bạo lực thì chính người trong cuộc sẽ là người phải chịu đựng nhiều tổn thương nhất. Ngay lúc muốn thể hiện mình trước mọi người, bạn trẻ sẽ cảm thấy được giải tỏa áp lực. Nhưng ngay sau hành vi đó, các bạn có thể hối hận cả đời về hành vi đã gây ra với chính mình, người thân hoặc một người nào đó bạn làm tổn thương. Giải quyết bằng nắm đấm chưa bao giờ là biện pháp được khuyến khích. Hãy bình tĩnh, hãy tỉnh táo và thể hiện mình văn minh. Sẽ không hay ho một chút nào nếu để mình trở thành nỗi sợ hãi trong mắt người khác.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, tuổi trẻ là lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Ở đó có sự tươi mới, mạnh mẽ, lòng quyết tâm, tinh thần dấn thân... Vậy đừng hoài phí nó vào những hành động điên rồ, những hành vi làm tổn thương hay nguy hiểm đến tính mạng của chính mình và người khác.
“Có nhiều cách để chúng ta “lấy số - lấy má” trước người khác nhẹ nhàng, tinh tế mà hiệu quả hơn là việc dùng vũ lực. Đánh nhau hay mạt sát nhau chỉ làm tổn thương, mất tính mạng hoặc vào tù. Nên chứng tỏ mình ở năng lực học tập, sự hiểu biết, ở các hoạt động xã hội hoặc là các hoạt động thể dục thể thao, năng khiếu...”, ông Long khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.