Tuổi trẻ dữ dội của Tổng thống Obama: Những giọt nước mắt

21/05/2016 08:10 GMT+7

Từ khi Barack Obama bắt đầu bước chân vào con đường hoạt động chính trị cho tới nay, giới quan sát đã ít nhất 8 lần được chứng kiến hình ảnh ông rơi nước mắt trước công chúng.

Từ ngày 23 - 25.5.2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chính thức thăm Việt Nam. Barack Obama là vị tổng thống da màu đầu tiên ở một đất nước có lịch sử về vấn đề phân biệt chủng tộc. Việc ông trở thành vị tổng thống thứ 44 của Mỹ không chỉ chứng minh nước Mỹ đã thay đổi mà còn là hình ảnh, biểu tượng cho một quá trình đấu tranh không mệt mỏi của người Mỹ từ thời Martin Luther King cho đến Barack Obama ngày nay. Mời bạn đọc nhìn lại #TUỔI TRẺ DỮ DỘI CỦA BARACK OBAMA, vị tổng thống sắp đến thăm đất nước chúng ta.
Điều này trái ngược hoàn toàn với biểu tượng của một chính trị gia gan góc, kiên cường cũng như vị thế nhà lãnh đạo cứng rắn, đanh thép thường thấy ở đương kim tổng thống Mỹ.
Tháng 6.2015, truyền thông thế giới đã bắt được hình ảnh ông Barack Obama khóc giữa bài phát biểu tưởng niệm Beau Biden, con trai Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng chưởng lý bang Delaware, qua đời ở tuổi 46 trước đó không lâu vì bệnh ung thư não.
Nửa năm sau, trong buổi trả lời phỏng vấn đài CNN, Phó tổng thống Joe Biden cảm động cho biết tại thời điểm gia đình ông rơi vào khủng hoảng túng thiếu, khó khăn, đặc biệt sau khi sức khỏe của cậu con trai Beau suy sụp hoàn toàn, chính “sếp” Barack Obama là người chủ động đề nghị được giúp đỡ, không chỉ riêng về mặt tài chính.
Ông Obama chia buồn cùng Phó tổng thống Joe Biden tại đám tang của con trai - Ảnh: Reuters
Ông Biden kể lại rằng khi bản thân đề cập đến ý định bán căn nhà mà cả gia đình đang sinh sống tại thành phố Wilmington (bang Delaware, Mỹ) để trang trải chi phí, Tổng thống Obama đã ngay lập tức kịch liệt phản đối: “Đừng bán ngôi nhà. Hứa với tôi anh sẽ không bán ngôi nhà nhé. Tôi sẽ giúp anh tiền, hoặc bất cứ thứ gì khác mà anh cần. Tuyệt đối đừng. Hứa với tôi đi”.
Cần lưu ý rằng, theo các số liệu thống kê tài chính công khai, thu nhập sau thuế hằng năm của ông Obama, vốn đến chủ yếu đến từ tiền xuất bản sách, đã giảm mạnh kể từ khi chính thức lên nắm quyền vào năm 2009.
Hành động trên đã chứng minh mối quan hệ giữa cặp đôi Barack Obama và Joe Biden không chỉ là đồng nghiệp đơn thuần. Đó là biểu hiện của tình bạn thắm thiết vượt lên trên cả các giới hạn về trách nhiệm công việc, theo đánh giá từ Josh Earnest, thư ký phụ trách truyền thông cho Nhà Trắng.
Tuy nhiên, lần rơi nước mắt “ấn tượng” nhất trong suốt quãng thời gian hoạt động chính trị của ông Barack Obama có lẽ là vào đầu năm 2016, khi tổng thống Mỹ phát biểu kêu gọi thông qua đạo luật hạn chế về súng đạn.
Ông Obama rơi nước mắt khi nhắc đến các nạn nhân là trẻ em bị thảm sát bằng súng đạn - Ảnh: Reuters
Cụ thể, ông Obama đã khóc, thậm chí phải dừng lại một lúc khá lâu khi nhắc đến các vụ thảm sát trường học diễn ra tại Đại học California - Santa Barbara (quận Santa Barbara, bang California) năm 2014, Trường tiểu học Sandy Hook (quận Fairfield, bang Connecticut) năm 2012, Trường trung học Columbine (quận Jefferson, bang Colorado) năm 1999 khiến vô số nạn nhân là trẻ em, học sinh, sinh viên thiệt mạng.
Ngay lập tức, phe chống đối, ghét bỏ ông Barack Obama mau mắn xây dựng thuyết âm mưu, khẳng định tổng thống Mỹ đã “đóng kịch” rất tài tình, thậm chí so sánh hình ảnh của ông với trùm phát xút Đức Adolf Hitler (trang Inquisitr ngày 6.1.2016).
Tuy nhiên, tờ Time cho rằng những giọt nước mắt của ông Obama là chân thật. Nó thể hiện nỗi buồn, sự thông cảm của ông với các nạn nhân bị thảm sát. Nhưng quan trọng hơn, đó còn là cảm giác bất lực vì nhận ra bản thân chưa thể làm gì để cải thiện tình trạng thực tế (về kiểm soát súng đạn).
Súng đạn cũng từng liên quan đến một câu chuyện cảm động khác trên con đường làm chính trị của Obama trước đây, khi ông mới bắt đầu chập chững những bước đầu tiên.
Năm 1999, cô bé Lisa Ann, con gái đầu lòng của ông và bà Obama, lâm bệnh. Thế là, trái ngược hoàn toàn với người cha Barack Obama Sr. trước đây, chàng nghị sĩ trẻ tuổi đã quyết định lựa chọn chăm sóc gia đình trước khi theo đuổi sự nghiệp.
Kết quả, ông Barack Obama vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu quan trọng, gián tiếp khiến đạo luật về kiểm soát súng đạn không được thông qua. Ít ai ngờ, đây lại là chi tiết sắp làm ông phải trả giá rất đắt.
Một năm sau, ông Obama bị đối thủ Bobby Rush, nghị sĩ da màu từng lãnh đạo Đảng Báo đen, nghiền nát trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ bang Illinois cho chiếc ghế ở Hạ viện Mỹ.
Về sau, theo Viện Miller, ông Obama thừa nhận đó là quyết định tranh đua “thiếu cân nhắc” của bản thân vì ông hoàn toàn "không có cửa" nếu so với Rush, và đã bị cử tri “tặng cho một cái tát trời giáng”. Bên cạnh đó, tổng thống Mỹ cho rằng chính sự vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu thông qua đạo luật kiểm soát súng đạn hồi năm 1999 đã “triệt tiêu nốt những tia hi vọng chiến thắng mong manh còn sót lại”.
Trước đó không lâu, con trai Bobby Rush đã bị một tay buôn ma túy bắn chết, và một số người cho rằng sự vắng mặt của ông Obama là hành vi gián tiếp thúc đẩy thủ phạm thực hiện tội ác.
Từ đó về sau, chưa bao giờ người ta “được” chứng kiến ông Barack Obama thất bại trong một cuộc bầu cử mang tính chính trị nào nữa.
Ông Obama đã khóc khi nhắc đến bà ngoại đã qua đời vào năm 2008 - Ảnh: AFP
Ngoài các sự kiện trên, có lẽ chúng ta chẳng thể nào quên được những giọt nước mắt cảm động của ông Barack Obama khi tái đắc cử vào năm 2012 hay lúc nghe tin bà ngoại, người nuôi dưỡng vị tổng thống từ thuở thơ ấu, qua đời hồi năm 2008, không lâu trước ngày ông được tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ...
Gần đây nhất, khi trả lời phỏng vấn ABC News, ông Obama khẳng định sẽ không đứng lên phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của cô con gái cưng Malia Ann vì sợ rằng bản thân quá cảm động, không giữ được bình tĩnh.
“Hôm đó, tôi sẽ đeo kính đen. Và tôi sẽ khóc”, Tổng thống Mỹ chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.