Tây làm gia sư

01/11/2015 08:46 GMT+7

Nhiều 'Tây ba lô' xem việc dạy thêm tại nhà là một cách để hiểu sâu hơn văn hóa người Việt: 'Sau mỗi khóa học, chúng tôi có thêm những người bạn...', David (Mỹ) nói.

Nhiều 'Tây ba lô' xem việc dạy thêm tại nhà là một cách để hiểu sâu hơn văn hóa người Việt: 'Sau mỗi khóa học, chúng tôi có thêm những người bạn...', David (Mỹ) nói.

David đang hướng dẫn cho học viên tại nhà - Ảnh: Lam NgọcDavid đang hướng dẫn cho học viên tại nhà - Ảnh: Lam Ngọc
Kiểm tra bằng… những buổi picnic
Từng đi nhiều nước nhưng David Hensy (33 tuổi, quốc tịch Mỹ) chọn VN để định cư. Qua VN hơn 9 năm, dù đi dạy ở nhiều trung tâm tiếng Anh nhưng David vẫn luôn gắn bó với việc dạy thêm tại nhà. Anh tâm sự: “Nếu chỉ vì tài chính thì dạy ở trung tâm chắc chắn kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng tôi vẫn chọn đi làm gia sư vì khi đó tôi thấy mình đang được đi sâu hơn vào văn hóa của người Việt. Với tôi điều đó rất thú vị”.
Một trong những khó khăn chung của người nước ngoài khi qua VN là việc di chuyển và đặc biệt di chuyển bằng xe máy là một thử thách. “Lúc đầu tôi sử dụng xe buýt để đi dạy kèm. Tuy nhiên, nó mất quá nhiều thời gian nên sau đó tôi đã thi lấy bằng lái xe mô tô. Tôi thấy rất khó khăn trong việc tìm địa chỉ của học trò. Không ít lần tôi bị lạc đường”, David kể.
Giống như David, Bill (29 tuổi, quốc tịch Mỹ) gắn bó nhiều trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM. Anh cho biết sau khi dạy ở trung tâm một thời gian thì học viên hoặc gia đình mời về nhà dạy kèm riêng. “Gần đây nhất tôi dạy cho học sinh ở Q.1.
Trình độ tiếng Anh của cô bé bằng 0. Khi dạy chúng tôi thường phải sử dụng internet để dịch những từ khó, hỗ trợ việc học và hoàn toàn không sử dụng một từ tiếng Việt nào. Có hôm mất điện không thể sử dụng internet, chúng tôi phải đánh vật với cuốn từ điển. Lúc này cô bé nhìn tôi bằng ánh mắt van nài nhưng tôi quyết không sử dụng tiếng Việt trong lúc học, mặc dù bản thân có thể hiểu và nói tiếng Việt.
Rất vui là sau đó cô bé tiến bộ rất nhanh”, Bill kể và hào hứng cho biết: “Thay vì kiểm tra trên giấy mỗi khi học xong một bậc, chúng tôi sẽ sát hạch thông qua những buổi picnic như đi chùa, tham quan các thắng cảnh ở TP.HCM bằng xe máy. Một buổi picnic có thể mang lại hiệu quả gấp 7 - 8 lần những buổi học thông thường”.
Học lại từ học viên
Theo Ashley (31 tuổi), một người có kinh nghiệm gia sư nhiều năm ở TP.HCM, việc dạy kèm nhiều khi rất tình cờ: “Có thể gặp nhau ở nhà văn hóa, tham gia cùng câu lạc bộ chứng kiến một bạn trẻ chăm chú học tiếng Anh chúng tôi sẵn sàng tới tận nhà để cùng học.
Tôi cho rằng làm gia sư không phải là chỉ dạy mà qua đó chúng tôi cũng học được rất nhiều, từ tìm hiểu văn hóa hay thông qua những bữa ăn vui vẻ tại nhà của học viên. Ở nhà chúng tôi học theo kiểu tự do vừa học vừa chơi. Như vậy học trò và thầy giáo cũng không còn khoảng cách quá xa mà coi nhau như bạn. Việc giao tiếp cũng vì thế mà dễ dàng hơn. Sau những buổi học, chúng tôi còn cùng nhau đi ăn cơm, dạo công viên hoặc xem một bộ phim, từ đó tranh luận và khả năng giao tiếp cũng tốt hơn”.
Kiều An (ngụ Q.2, TP.HCM) gắn bó 2 năm với thầy Bill, cho biết: “Khi học với thầy nước ngoài tôi có một cảm giác rất lạ, lúc nào cũng cố để vươn theo ngôn ngữ mà thầy sử dụng… Kết quả là tiếng Anh của tôi tiến bộ khá nhanh. Thói quen sử dụng tiếng Việt để giải thích cho những tình huống khó cũng mất dần”.
David cho biết, qua VN gần 10 năm, anh có thể nghe - hiểu người Việt nói chuyện với nhau và có thể nói tiếng Việt. Tuy nhiên, anh rất hạn chế sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày và đặc biệt là dạy học không bao giờ sử dụng tiếng Việt với học viên. “Mục đích là tôi muốn giữ giọng Mỹ nguyên gốc, không bị lai với bất kỳ thứ tiếng nào để có thể dạy tốt nhất cho học viên”, David chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.