Sinh viên quê rốn lũ miền Trung bất lực, trào nước mắt lo cho gia đình

19/10/2016 11:00 GMT+7

Sinh viên quê ở vùng lũ miền Trung đang học tập và sinh sống tại Sài Gòn đang vô cùng đau khổ và bất lực khi nói về tình cảnh quê nhà.

“Lần đầu tiên đi học xa nhà, nghe tin gia đình bị lũ và lốc xoáy cuốn sạch tài sản, mình chỉ muốn về ngay lập tức", Nguyễn Ngọc Phong, sinh viên Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (quê ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị), không cầm được nước mắt. "May mà ba mẹ và em gái kịp thoát trước khi bị lũ cuốn trôi, ngói rơi trúng đầu. Những ngày tiếp theo không biết lấy gì mà ăn, mà sống đây. Nghĩ đến, mình thấy thương ba mẹ quá, vất vả bao năm, chỉ một cơn lũ là cuốn đi sạch".
Phong kể, lúc 12 giờ 45 phút ngày 14.10, mẹ cậu hớt hải gọi điện, vừa khóc vừa thông báo nhà cửa bị lốc cuốn sạch, không còn thứ gì. Vì sóng yếu, cuộc trò chuyện chỉ kéo dài được vài phút, thế mà gia đình vẫn dặn dò bạn cố gắng học hành, đừng quá lo lắng chuyện ở quê.
"Giờ gia đình đang khốn khó, mình không tiện nhắc đến tiền bạc, sợ ba mẹ phiền lòng. Mình đang cố kiếm việc làm thêm theo ca nhưng chưa được; lại thêm vụ đặt vé tàu Tết, sợ hết vé nhưng lại không có tiền”.

[CLIP] Sinh viên quê rốn lũ miền Trung lo lắng cho gia đình - Thực hiện: Kỳ Hòa
Cùng chung cảnh ngộ, Phạm Thị Thu Hài, sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM (quê xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), bùi ngùi: "Nghe tin lũ lên, mình gọi điện ngay cho mẹ. Mẹ em kể, lúc đầu nước chỉ dâng lên ngập cầu, nhưng chừng 3-4 tiếng sau lại dâng cực kỳ nhanh, khiến tất cả mọi người chẳng kịp trở tay thu dọn đồ đạc".
Thu Hài kể rằng mỗi mùa lũ về, mọi người ở quê Hài thường chịu cảnh lụt lội nhưng gặp nước lớn như năm nay là lần đầu tiên. Nhà Hài lại nằm bên sông Ngàn Sâu, gần đập thủy điện Hố Hô, nước chảy xiết nên bị cô lập hoàn toàn.
"Kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào vài sào lúa, mấy cây ăn trái trong vườn, giờ lũ mang đi cả, không biết sao nữa", Thu Hài lo lắng. "Dù rất thương ba mẹ, mình cũng chỉ biết gọi điện về nhà thường xuyên để hỏi thăm tình hình rồi an ủi. Mình không dám khóc vì sợ càng làm ba mẹ buồn thêm. Về tiền sinh hoạt cũng vậy, gia đình đang khó khăn, may mà mình có đi dạy thêm để trang trải phần nào".
Người dân xã Phương Mỹ (Hà Tĩnh) hiện phải cố gắng sống trên thuyền Ảnh: Khánh Hoan
Trong khi đó, Nguyễn Văn Lương, sinh viên Đại học Công nghệ thông tin, nặng trĩu tâm sự vì mất người thân: "Quê mẹ mình ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Lũ to lắm. Mưa trôi mất hết cả nhà cửa, vốn liếng, nhưng mất mát lớn nhất của gia đình là sự ra đi của dượng".
Lương cũng tỏ ra lo lắng vì kinh tế gia đình vốn đã khó khăn, nay lại mất đi người trụ cột trong gia đình. Lương hy vọng lũ chóng qua để mọi người giúp sức, cùng nhau vượt qua nỗi mất mát.
Nguyễn Thị Thừa, sinh viên trường Đại học KHXH&NV, cho biết lũ lớn đã làm ngập hết các hồ nuôi trồng thủy sản, vốn là nguồn thu nhập chính của gia đình bạn. Nhà Thừa có tới 6 anh chị em, trong đó 5 người đang còn đi học, chi phí phải trang trải rất lớn.
“Sắp tới, mình phải tìm thêm vài việc làm phù hợp với lịch học tập để kiếm tiền tự lo cho bản thân, vì mình biết kinh tế gia đình lúc này vô cùng khó khăn”, cô gái nhỏ bộc bạch. Không những thế, bạn còn hi vọng có thể gửi những đồng tiền mà bản thân kiếm được về để hỗ trợ cho gia đình.
Việc thủy điện Hố Hô đột ngột xả lũ được cho là một phần nguyên nhân khiến tình hình miền Trung trở nên phức tạp hơn Ảnh: Thanh Niên Online
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến ngày 18-10, mưa lũ ở miền Trung đã làm 29 người chết, 1 người mất tích, 30 người bị thương; 26 nhà bị sập hoàn toàn; tốc mái, hư hỏng 1.015 nhà, hiện 1.786 nhà vẫn bị ngập; diện tích lúa còn bị ngập là 1.081 ha, hoa màu bị ngập, hư hại 3.627ha cùng 3.536 lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Nguyễn Hồng Sơn, Hội trưởng Hội đồng hương Nghệ - Tĩnh ĐHQG, chia sẻ: “Thấy tình cảnh bà con như vậy, mình đang đứng ra vận động mọi người ủng hộ họ. Ai có gì thì ủng hộ nấy, không cần nhiều của, chỉ cần tấm lòng. Chúng mình cũng đang thống kê về hoàn cảnh của sinh viên trong hội để giúp các bạn ấy”.
Phong trào quyên góp tiền bạc, của cải ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía cộng đồng. Trong số đó, nổi bật nhất phải kể đến hoạt động của MC Phan Anh khi đã quyên góp được hơn 13 tỉ đồng chỉ sau hơn 48 giờ đồng hồ.
Dự báo chiều 19.10, tâm bão Sarika (gây ảnh hưởng, mưa lớn ở miền Trung) sẽ vào Quảng Ninh, Lạng Sơn. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo từ đêm 18 đến 19.10, khu vực Đông Bắc Bộ sẽ xuất hiện mưa to, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn lên đến 200 - 300 mm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.