Vượt biển giúp dân

06/03/2014 03:00 GMT+7

Hơn 50 thợ điện trẻ của Đoàn Tổng công ty điện lực TP.HCM đã vượt biển để sửa chữa, làm mới lại hệ thống điện miễn phí cho toàn bộ 200 hộ dân đang sinh sống tại ấp Thiềng Liềng, nơi xa nhất của xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ, TP.HCM.

 Sửa chữa điện cho các hộ dân tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, H.Cần Giờ - Ảnh: Lê Thanh
Sửa chữa điện cho các hộ dân tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, H.Cần Giờ - Ảnh: Lê Thanh

>> Sửa điện miễn phí cho người nghèo

Chấm dứt cảnh tắm trong bóng tối

Chúng tôi theo chân nhóm thợ điện của Công ty điện lực Duyên Hải đến làm mới lại hệ thống điện cho các hộ dân đang sinh sống tại vùng biển đảo này mới thấy chương trình có ý nghĩa biết bao. Ghé vào căn nhà lá lụp xụp của vợ chồng anh chị Phạm Huỳnh Phụng - Lê Thị Diễm Trinh, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt những người trong đoàn là hệ thống đường dây điện chằng chịt, móc nối, chắp vá lung tung và đã quá cũ kỹ.

Chị Trinh cho biết: “Mặc dù cũng biết hệ thống điện trong nhà đã hỏng từ lâu nhưng đành chịu, vì không có tiền để kêu người sửa chữa”. Chị tâm sự: “Hai vợ chồng có 3 đứa con nhưng nguồn sống chủ yếu của cả nhà chỉ trông chờ vào từng đồng tiền đi làm mướn của anh Phụng, hễ ai thuê gì thì ảnh làm nấy. Còn những ngày không có ai thuê thì ảnh đi xăm xìa (bắt cua, ốc, dợp). Ngày nào trúng nhiều thì kiếm được khoảng 150.000 đồng, nhưng cũng có hôm ảnh đi suốt ngày, khi chiều về vẫn tay không”.

Rời căn nhà của chị Trinh, nhóm thợ điện đến nhà bà Trần Thị Sương (bà Sáu bến đò). So với gia đình của chị Trinh, hoàn cảnh của bà Sáu còn bi đát hơn. Bà Sáu năm nay đã 74 tuổi, sống với cháu ngoại trong căn nhà tình thương. Đứa cháu đi gánh muối thuê suốt ngày để kiếm tiền nuôi bà nên không có thời gian sửa chữa lại hệ thống điện quá cũ nát. “Trong nhà có hai bóng đèn nhưng lâu nay bị hư nên buổi tối mỗi khi bật lên là nó chỉ nhá nhem, chớp tắt miết à. Bây giờ được mấy chú đến sửa chữa lại, vậy là từ nay nhà cửa không còn cảnh tù mù nữa rồi. Được vậy tôi mừng lắm chú ơi!”, bà Sáu xúc động. Sau khi sửa xong, mấy anh thợ điện còn gửi tặng bà hai bóng đèn để phòng khi bóng bị hư còn có cái để thay thế.

Có những việc làm tưởng chừng quá đơn giản với những người thợ điện nhưng lại khó khăn với nhiều người khác. Bác Trần Thị Chuồi tâm tình: “Có cái ổ điện nằm ngay vị trí gần cửa sổ. Mùa nắng thì không sao nhưng hễ mùa mưa là nước mưa tạt vào rất nguy hiểm. Nhiều lần tôi muốn dời nó qua chỗ khác nhưng không biết phải làm sao. Giờ thì yên tâm rồi”.

Trường hợp của cô giáo Phạm Thị Tuyết Loan cũng thật “hoàn cảnh”. Gia đình ở H.Bình Chánh nhưng cô tình nguyện đến ấp đảo Thiềng Liềng dạy chữ cho học sinh nhiều năm nay. Nhà không có đàn ông nên hệ thống điện bị hư hỏng đã lâu mà chẳng người sửa chữa. Cô Loan kể: “Nhà tắm và vệ sinh nằm tách biệt, cách chỗ ở khoảng 5 m nhưng không có đường dây điện nên vào buổi tối mỗi khi đi tắm hoặc vệ sinh phải chịu cảnh tối tăm”. Nghe vậy, sau khi sửa chữa xong hệ thống điện trong nhà, nhóm thợ điện liền câu dây điện và lắp bóng đèn nhà tắm cho cô giáo. Đóng cầu dao, nhà tắm sáng bừng cùng niềm vui của cô giáo tình nguyện.

Sẻ chia nhiều hơn

Không ít bạn trẻ tham gia đoàn tình nguyện đã nhận ra rằng, thông qua những việc làm giúp đỡ bà con như thế họ đã mở rộng thêm vốn sống cho bản thân. Nguyễn Trung Dũng (Công ty điện lực Duyên Hải) bảo: “Chính từ những chuyến đi thực tế như thế này mình mới nhận ra cuộc sống còn nhiều người đang gặp khó khăn và rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người. Có thể mình không giúp được cho họ về mặt vật chất, nhưng bằng những hành động và việc làm thiết thực cũng làm vơi đi phần nào những nỗi lo cho họ”. Với bạn Huỳnh Văn Quang (Điện lực Tân Bình) thì: “Qua chương trình này, mình đã thay đổi cách nhìn và cách nghĩ trong nhận thức, hiểu ra sống phải biết đồng cảm, chia sẻ và yêu thương nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn”.

Anh Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Đoàn Tổng công ty điện lực TP.HCM, đúc kết: “Đây là một trong những công trình phát huy chuyên môn, phục vụ cộng đồng của những bạn trẻ ngành điện. Giá trị công trình không chỉ là con số kinh phí nhiều hay ít mà còn ở những ngày công lao động tình nguyện rất ý nghĩa của những công nhân trẻ để góp phần thực hiện nhiệm vụ dân sinh cùng xã hội”.

90% là hộ nghèo

Theo ông Võ Hoàng Kiệt, Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An, Thiềng Liềng hiện có 200 hộ dân, với 904 nhân khẩu, trong đó 90 hộ thuộc diện nghèo. Kinh tế chủ yếu của người dân nơi đây là làm nghề muối. Nơi đây chỉ có một điểm trường mẫu giáo và một điểm trường tiểu học tổng cộng có hơn 60 học sinh.

Lê Thanh

>> Hiến máu và giúp dân nghèo
>> Giúp dân làm đường
>> Áo xanh giúp dân tránh siêu bão

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.