Khoe khoang là ‘căn bệnh’ của nhiều người trẻ

06/04/2016 09:11 GMT+7

Càng giàu có từ đồng tiền của cha mẹ, giới trẻ càng ảo tưởng và dễ sa vào khoe khoang.

Càng giàu có từ đồng tiền của cha mẹ, giới trẻ càng ảo tưởng và dễ sa vào khoe khoang.

Một màn khoe tiền trên Instagram - Ảnh: Instagram của Cole SchneiderMột màn khoe tiền trên Instagram - Ảnh: Instagram của Cole Schneider

Ở kỳ trước, chúng ta đã nhắc tới tầng lớp Phú Nhị Đại ở Trung Quốc, cụm từ chỉ thế hệ giàu có thứ hai của nước này. Tiêu xài phung phí bằng những đồng tiền không do mình làm ra và cũng không ngần ngại khoe mẽ, Phú Nhị Đại là tâm điểm của sự chú ý trong thời gian dài. Thế nhưng, trường hợp như vậy không phải hiếm trong xã hội toàn cầu.

Từ Paris Hilton tới những “hoàng tử Instagram”

Paris Hilton, thừa hưởng tài sản từ cha mình (ông chủ tập đoàn khách sạn Hilton) có lẽ là nhân vật nổi tiếng gắn liền với phong trào ăn chơi và khoe khoang sự giàu có của mình. Ca sĩ có biệt danh “nữ hoàng tiệc tùng” với chiếc xe Bentley “độ” màu hồng khét tiếng từ năm 2008, được xem là điển hình cho độ khoe mẽ của giới trẻ Âu - Mỹ.

Chiếc Bentley sơn màu hồng nổi tiếng của Paris Hilton - Ảnh: West Coast Customs

The Washington Post trong bài viết năm 2015 cũng sử dụng cụm từ “Những đứa trẻ giàu có trên Instagram” để nói về trào lưu tiêu xài phung phí của giới trẻ, và sự tiếp tay của ứng dụng chia sẻ hình ảnh nổi tiếng nhất thế giới này. Tờ báo Mỹ cho rằng những đứa trẻ giàu có trên là kết quả của sự bất bình đẳng trong xã hội, nhưng không một ai ngại ngùng khi khoe khoang cả.

Cũng là một mạng xã hội rất mạnh, Instagram tạo ra diễn đàn khoe khoang vô giới hạn, và dĩ nhiên làm bật lên những tay chơi khét tiếng khắp thế giới, trong đó đáng kể có Dan Bilzerian, người xem là “ông hoàng Instagram” với vô số những màn khoe tiền, gái đẹp, du thuyền, phi cơ riêng...

Rộng ra, nếu bạn tra cụm từ “Rich kids” (những đứa trẻ giàu có) và gắn nó với mọi diễn đàn, đều sẽ dễ dàng tìm ra những gương mặt chơi trội và những trò tiêu khiển không thể đong đếm. Sự giàu có vốn dĩ tồn tại, nhưng nhờ mạng xã hội và tâm lý không sợ chỉ trích, hiện nay nó được phô diễn khắp nơi.

Sự phản kháng của người trẻ

Trong trào lưu khoe khoang của giới trẻ toàn cầu, nổi tiếng nhất dĩ nhiên là những tay chơi người Mỹ, người Nga, Trung Quốc, Anh... nhưng bên cạnh ác cảm dành cho sự phô trương, người ta thấy đây là một vấn đề xã hội nghiêm túc.

Tạm quên những trò tiêu pha được “trưng bày” nhan nhản trên internet, ở Brazil và Nam Phi có những người trẻ cũng phô trương nhưng có “mục đích xã hội” hẳn hoi.

Năm 2014, tạp chí Slate (Mỹ) có phóng sự về một trào lưu gọi là Văn hóa skhothanes, nổi lên ở thị trấn náo nhiệt Soweto, Johannesburg của Nam Phi.

Các nhóm theo skhothanes (tiếng Zulu nghĩa là chói lóa hoặc khoe khoang) thường tụ tập đập phá, mặc những bộ đồ siêu đắt. Điều ngạc nhiên là họ xuất thân từ những gia đình nghèo khổ, mang trong người khát vọng tự do và những món đồ đắt tiền ấy đại diện cho thứ họ khao khát, theo Slate.

Một nhóm tên Conmandos theo phong trào skhothanes. Đây là trào lưu thể hiện sự khát khao và tự do của giới trẻ Nam Phi, và cũng là một huyền thoại về trào lưu thời trang tại đây - Ảnh chụp màn hình Slate

Trong một diễn biến tương tự, hãng tin Al Jazeera năm 2014 cũng đăng bài phóng sự về những “kẻ phô trương sợ hãi” ở Brazil, hay còn gọi là “rolezinho” (dạo bước).

Các rolezinhos này cũng khao khát, phá tan mọi giới hạn của họ và thậm chí còn được coi là một cuộc đấu tranh với sự chán nản của tuổi trẻ qua những màn nhảy tự do hoặc flashmob, với thành viên là những thanh thiếu niên có hoàn cảnh không hề khá giả.

Những điều này không khác khi xét ở góc độ nào đó so với Phú Nhị Đại ở Trung Quốc. Nhóm thanh niên “con ông cháu cha” ở Trung Quốc cũng nói rằng họ đối mặt với gánh nặng của sự giàu có và chán nản về chính bản thân mình. Họ có tiền nhưng không có tình yêu của gia đình, hoặc thiếu đi đam mê cũng như việc phải đứng dưới cái bóng quá lớn của cha mẹ họ - những tỉ phú.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.