Cả nhà đi học kỹ năng

20/07/2016 09:40 GMT+7

Sau khi đưa con đến lớp, phụ huynh không quay về như thường lệ mà ở lại đến cuối buổi để cùng học với con mình.

Đó là thực tế diễn ra ở những lớp kỹ năng do chính những nhóm phụ huynh chủ động đứng ra mời báo cáo viên về dạy cho con em và cả bản thân mình.
Mẹ con tranh luận
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, gần đây đã có 4 - 5 nhóm phụ huynh ở TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai mời tôi đứng lớp dạy về kỹ năng sống cho trẻ. Mọi thứ đều do họ chủ động lo liệu, từ chủ đề, mời báo cáo viên cho đến rủ rê những người khác tham gia. Nhờ đó, họ có sự trao đổi - tương tác trước với con cái... Đây là điều đáng mừng của cách giáo dục chủ động.
Một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 7, hàng chục phụ huynh từ các quận: Bình Thạnh, Thủ Đức, 11, 5, 8... chở con em mình đến tập kết tại một điểm học trên đường Nguyễn Cửu Vân, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Chủ nhà mở rộng cửa niềm nở đón mọi người lên phòng học (miễn phí). Ở đấy đã có máy chiếu, nước uống, bánh kẹo, khiến những đứa trẻ phấn khích.
Sau trò chơi khởi động, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức phòng chống xâm hại tình dục. Nhiều cuộc tranh luận, phản biện sôi nổi diễn ra trong các nhóm học sinh và một nhóm phụ huynh trước những tình huống do giảng viên và chính học viên đặt ra.
Chị Lê Hoàng Lan, ngụ Q.11, tâm tư về tình trạng nhức nhối hiện nay là có nhiều trẻ bị xâm hại tình dục. Chính vì vậy, chị muốn con mình tham gia những chương trình trên. Theo chị Lan, sau buổi nói chuyện dành cho các trẻ từ 10 - 11 tuổi này, phụ huynh tiếp tục mời báo cáo viên chia sẻ cho những bé lứa tuổi 5 - 7.
“Đây là chuyên đề đầu tiên chúng tôi đứng ra tổ chức. Thấy tụi nhỏ hào hứng quá, nên chúng tôi định mở tiếp những lớp kỹ năng khác”, chị Lưu Thị Hồ Lan, đồng trưởng nhóm phụ huynh, nói. Chị Hồ Lan nhìn nhận: “Thời bây giờ, các cháu có thể lên internet tự tìm hiểu nhưng lại không có sự định hướng, không có bộ lọc nên cũng rất nguy hiểm. Có những trẻ bị xâm hại nhưng không biết nói cho người lớn”.
Gần đây, tại tỉnh Đồng Nai, khoảng 40 học sinh cùng phụ huynh tập trung tại nhà chị Phan Thị Đỗ Uyên (KP.4, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) để tham gia buổi nói chuyện cũng về chủ đề xâm hại tình dục. Mặc dù căn nhà không mấy rộng rãi, nhưng vẫn có chỗ đặt thêm bàn tư vấn tâm lý cho phụ huynh. Chị Uyên tiết lộ: “Báo cáo viên đến từ TP.HCM. Một phần họ làm thiện nguyện, nên lấy giá khá mềm. Mỗi phụ huynh chỉ đóng góp 50.000 đồng, gồm cả chi phí bánh trái, nước uống…”.
Khi được hỏi: “Nếu có người lạ nắm tay kéo con đi, con sẽ làm gì?”. Những đứa trẻ ở TP.Biên Hòa nhanh nhảu đưa ra những lời đáp: “Con sẽ la lên: bắt cóc!”, “Còn con đạp vào chân, đá vào đầu gối hoặc chỗ hiểm của người đó”…
Chị Phan Thị Đỗ Uyên đánh giá: “Rõ ràng, buổi nói chuyện khiến các cháu ấn tượng, đọng lại một số kiến thức cần thiết”. Riêng về hai đứa con mình, chị Uyên chia sẻ: “Tôi không kỳ vọng quá nhiều nhưng ít nhất các cháu đã hiểu thêm về bản thân mình, biết phân biệt đâu là vùng an toàn và đâu là vùng không an toàn trên cơ thể”.
Không lệ thuộc nhà trường
Chúng tôi thắc mắc: “Những đề tài như vậy nhà trường có tổ chức không?”. Chị Phan Thị Đỗ Uyên (tỉnh Đồng Nai) cho hay: “Nhà trường khó có điều kiện tổ chức. Trong khi đó, chuyện kỹ năng sống đang rất nóng và phụ huynh nghĩ là giáo dục không cung cấp đủ cho con họ. Còn tôi cho rằng khi có cơ hội thì mình làm thôi, không trông đợi ai hết. Không thể đổ thừa toàn bộ cho nhà trường, thầy cô vì giáo dục gia đình mới là quan trọng nhất”.

tin liên quan

Bị quấy rối tình dục, đừng im lặng!
Đừng im lặng trước hành vi quấy rối tình dục là thông điệp tại tọa đàm Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong đó chú trọng vào cách thức phòng chống và đáp trả các hành vi bạo lực giới.
Chị Trần Thị Hoài Thư, phụ trách Câu lạc bộ Sao nhỏ (thuộc nhóm phụ huynh Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng nếu nhà trường có tổ chức đi chăng nữa thì học sinh đông, các cháu hiếm có dịp bày tỏ ý kiến. Theo chị Thư, cha mẹ thời nay yêu cầu con mình ở mức độ cao hơn và trên tất cả, họ muốn tạo cho con mình có một tâm thế chủ động trong cuộc sống.
Chị Thư nói: “Trẻ em bây giờ cũng không thích ngồi nghe thầy giảng một cách thụ động. Con ngoan chưa chắc đã hay! Có những đứa học rất ngoan, bài nào cũng được điểm 9, 10 nhưng rớt đại học một phát thì tự tử. Chúng tôi thấy những bất ổn, nguy hiểm đó nên đứng ra kết nối thực hiện những lớp học về kỹ năng sống, trước hết cho chính con em mình”.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết thời gian qua có nhiều phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành đã chủ động mời nhóm đến chia sẻ. Đây là tín hiệu tích cực bởi phụ huynh không thể giao phó toàn bộ trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho nhà trường. Hơn nữa, cha mẹ sẽ có điều kiện cùng con thực hành các bài học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.