Thế giới thấp thỏm đón năm mới vì Omicron

29/12/2021 07:27 GMT+7

Cơ quan y tế nhiều nơi đang đứng trước quyết định khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ngay thời điểm người dân chuẩn bị mở tiệc đón năm mới.

Chỉ khoảng một tháng sau khi được ghi nhận tại Nam Phi, biến thể Omicron đang trở thành biến thể chiếm ưu thế tại nhiều nước. Những ngày gần đây, số ca nhiễm mới tại nhiều nước liên tục tăng cao vượt kỷ lục, ngành hàng không bị đảo lộn khi phải hủy hàng loạt chuyến bay vì thiếu nhân viên do phải cách ly. Mặc dù một số nghiên cứu đánh giá Omicron có khả năng gây bệnh nhẹ, nhưng tính lây lan mạnh của biến thể này được cho là có thể khiến các bệnh viện quá tải.

Công nhân chuẩn bị cho sự kiện đón giao thừa tại quảng trường Thời đại (New York, Mỹ)

Reuters

Sự khó lường của SARS-CoV-2 đang khiến giới chức y tế nhiều nơi phải cân nhắc áp dụng biện pháp phù hợp để ngăn ngừa dịch bệnh, nhưng cũng đảm bảo người dân được đón năm mới ấm áp bên người thân sau khi chịu cảnh phong tỏa hồi năm ngoái.

Tại Mỹ, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày đang ở mức gần 200.000 ca, cao nhất từ hồi tháng 1. Tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế Tổng thống Mỹ, khuyến cáo người dân tránh xa những buổi tiệc đông người vì nguy cơ nhiễm bệnh và chỉ nên gặp gỡ người thân, bạn bè với số lượng hạn chế và đã tiêm vắc xin, theo CNN.

“Đối với các buổi tiệc giao thừa với 30 - 50 người và bạn không biết tình trạng tiêm chủng của họ, tôi khuyên là nên tránh xa trong năm nay”, ông Fauci nói.

CDC Mỹ đính chính mức độ lây lan của biến thể Omicron

Giới chức nhiều nơi như Illinois, Louisiana, Washington D.C cũng đã kêu gọi người dân đón năm mới nhỏ gọn cùng gia đình và tiêm vắc xin, đeo khẩu trang trong nhà.

Năm nay, sự kiện đón năm mới nổi tiếng tại quảng trường Thời đại ở New York vẫn sẽ diễn ra nhưng đi kèm nhiều quy định. Theo thông báo của văn phòng Thị trưởng Bill de Blasio, chỉ 15.000 người được phép tham dự, bằng 1/4 so với bình thường. Toàn bộ đều phải đeo khẩu trang và người từ 5 tuổi trở lên phải được tiêm vắc xin.

Tại châu Âu, chính quyền nhiều nơi đã tái áp đặt các quy định phòng dịch nghiêm ngặt vì dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo CNN, sự kiện đón giao thừa sắp tới tại hàng loạt thủ đô như Athens, Berlin, London, Paris cho đến Rome đều bị hủy. Trong khi đó, cũng có một vài nơi như Ba Lan hay Nga quyết định đi ngược với số đông. Dù có nhiều ca tử vong vì Covid-19 nhất tại châu Âu, chính quyền Nga thông báo nhiều biện pháp giới hạn sẽ được dỡ bỏ trong kỳ nghỉ 10 ngày từ đêm giao thừa, theo AP.

Tin vui từ 3 nghiên cứu: nhiễm Omicron, nguy cơ nhập viện có thể thấp hơn

Tại những thành phố nổi tiếng khác, sự kiện mừng năm mới vẫn được tổ chức nhưng sẽ đi kèm các quy định nhất định. Tờ Bangkok Post đưa tin thủ đô của Thái Lan chỉ cho phép những sự kiện ở không gian mở, người tham dự phải tiêm vắc xin đầy đủ, xét nghiệm và đăng ký trước. Trong khi đó, Malaysia cấm các sự kiện đón năm mới đông người sau khi ghi nhận những ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên. Tuy nhiên, sự kiện ít người vẫn được phép diễn ra nhưng người tham dự phải xét nghiệm trước.

Tại Dubai, người muốn tham dự sự kiện quanh tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới phải đăng ký trước qua ứng dụng di động. Sự kiện tại Sydney sẽ được bán vé và người dân không bắt buộc phải tiêm vắc xin đầy đủ. Ở Đài Bắc, sự kiện đếm ngược và bắn pháo hoa từ tòa tháp Đài Bắc 101 được xác nhận sẽ diễn ra. Chính quyền thành phố Rio de Janeiro của Brazil cũng đã đảo ngược quyết định hủy sự kiện đón giao thừa sau khi bàn bạc với ủy ban khoa học.

Mỹ sẽ bắt buộc tiêm vắc xin cho chuyến bay nội địa ?

Tiến sĩ Anthony Fauci hôm qua khuyến cáo chính quyền nên nghiêm túc cân nhắc việc bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 đối với hành khách di chuyển nội địa bằng máy bay. AP dẫn lời ông Fauci cho rằng quy định này sẽ giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ và tăng một lớp bảo vệ cho người đi máy bay. Hiện nay, quy định liên bang tại Mỹ chỉ yêu cầu hành khách từ 2 tuổi trở lên di chuyển trên chuyến bay nội địa phải đeo khẩu trang.

Đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa áp dụng quy định như đề xuất của ông Fauci, vì theo một số quan chức, điều đó sẽ gây ra những vấn đề pháp lý và hậu cần. Tổng thống Biden cho biết vấn đề này đã được bàn luận trong cuộc gọi với các thống đốc bang ngày 27.12, nhưng không nói rõ Nhà Trắng có đang cân nhắc thực hiện hay không. Người phát ngôn Jen Psaki của Nhà Trắng nói sẽ cân nhắc theo lời khuyên của các chuyên gia y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.