Thế giới tháo chạy khỏi cổ phiếu Nhật Bản

19/10/2016 16:25 GMT+7

Các nhà đầu tư đang bỏ cuộc ở thị trường Nhật Bản. Sau khi bỏ cổ phiếu Nhật trong bốn tháng qua, nhà đầu tư ngoại giờ đang rục rịch cho đợt tháo vốn lớn nhất của họ từ năm 1987.

Theo Bloomberg, thời điểm năm 1987 là lúc các nhà đầu tư nước ngoài đang chạy trốn khỏi bong bóng định giá và đợt lao dốc Thứ hai đen. Lần này, họ ngao ngán chính sách kinh tế thiếu hiệu quả của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng yen tăng giá.
“Vào những năm cuối thập niên 1980, các nhà đầu tư quốc tế từng thất vọng, nhận ra điểm không bền vững. Đợt bán ra mới nhất cho thấy giới đầu tư thất vọng thực sự và nhiều như thế nào về Abenomics”, chuyên gia Toru Ibayashi thuộc UBS Group ở Nhật Bản cho hay. Abenomics là từ dùng để chỉ chính sách kinh tế của ông Abe.
Dòng vốn thoái 59 tỉ USD ở Nhật là lớn nhất trong số 33 thị trường toàn cầu được Bloombeg theo dõi. Nó giải thích vì sao nước này từng thất bại trong việc ngăn chặn đợt lao dốc 12% trong chỉ số Topix của Tokyo năm nay. Khi các quỹ đầu tư ngoại rút nhanh hơn tốc độ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể mua, một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới cho rằng có ít hy vọng để thị trường quốc gia Đông Á sớm hồi sinh.
“Nhật Bản đang đứng trong tình thế khó khăn khi nói đến đầu tư nước ngoài”, Yoshinori Shigemi, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, công ty giám sát 1.600 tỉ USD, cho biết.
Đồng yen thuộc top các vấn đề lo ngại của ông Shigemi. Giá trị nội tệ Nhật Bản tăng 16% so với đô la Mỹ, mức tăng lớn nhất trong số các đồng tiền chính ở châu Á trong năm nay. Đây là tin xấu khi chỉ số Topix vốn nhạy cảm với xuất khẩu nước nhà.
Sức mạnh đồng tiền cũng hạ tính hiệu quả của Abenomics, yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại quan trọng trong năm 2013. “Đơn thuốc” kết hợp các bài kích thích tiền tệ lớn, tăng chi tiêu tài khóa và cải cách cơ cấu của chính phủ Nhật Bản thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng lâu dài và đưa đất nước đến cận mục tiêu lạm phát 2%. Giá tiêu dùng Nhật Bản giảm tháng thứ năm liên tiếp hồi tháng 8 giữa lúc các hộ gia đình hạ chi tiêu mạnh nhất kể từ tháng 3.
Với một số nhà đầu tư ngoại, chương trình kích thích của BOJ làm thị trường chứng khoán kém hấp dẫn. Lãi suất âm đè nặng lợi nhuận nhiều nhà băng. Chủ tịch điều hành Mark Mobius của hãng Templeton Emerging Markets Group gọi các biện pháp của BOJ là “điên rồ” trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9.
Lúc này, Akira Amari, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, lên tiếng cho hay nhà đầu tư ngoại nên cho Abenomics thêm thời gian để vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có tăng trưởng toàn cầu yếu. Chuyên gia Mikio Kumada thuộc LGT Capital Partners ở Hồng Kông thì nhận định: “Động thái bán của khối ngoại rõ ràng là quá mức. BOJ sẽ hành động. Đồng yen sẽ hạ giá lần nữa và thị trường chứng khoán sẽ đi lên”.
Chuyên gia Ibayashi thuộc UBS cho hay mức tăng bền vững chỉ khả thi khi chính phủ thực hiện nhiều bước đi cải cách quan trọng. Hiện ông Abe vẫn chưa áp dụng một trong những lời hứa chính sách được mong đợi nhất của mình: đại tu thị trường lao động. Đây là động thái mà nhiều nhà phân tích cho rằng cần thiết để cải thiện lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp Nhật Bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.