Thế giới phản ứng sao với “địa chấn” Hồ sơ Pandora ?

Khánh An
Khánh An
06/10/2021 07:04 GMT+7

Nhiều người bác bỏ cáo buộc, nhiều nước cam kết điều tra sau khi truyền thông phanh phui việc che giấu tài sản của giới tinh hoa.

Tờ The Guardian hôm qua đưa tin Hồ sơ Pandora được tiết lộ dẫn đến chuỗi phản ứng từ nhiều bên. Được tiếp cận bởi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), Hồ sơ Pandora là tập hợp gần 12 triệu tài liệu rò rỉ, liên quan 35 lãnh đạo thế giới đương nhiệm và mãn nhiệm, hàng trăm quan chức, tỉ phú và người nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Họ bị cáo buộc né thuế bằng cách chuyển tiền hoặc thành lập công ty tại các thiên đường thuế ở Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ, Cayman Islands để che giấu tài sản.

Hồ sơ Pandora được xem là một cơn địa chấn với nhiều yếu nhân

AFP

Chính phủ nhiều nước đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc. Điện Kremlin khẳng định không có gì phải xem xét, dù một số bạn bè và người thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin có tên trong Hồ sơ Pandora. Phát ngôn viên Dmitry Peskov của ông Putin cho rằng các tài liệu rò rỉ xuất phát từ “các thông tin vô căn cứ”. Tại Ukraine, các chính trị gia đối lập công kích Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, khi Hồ sơ Pandora cho rằng ông đã âm thầm chuyển cổ phần tại công ty ngoại biên cho một người bạn vào năm 2019, vài tuần trước khi đắc cử. Chánh văn phòng Mykhailo Podoliak của ông Zelenskiy bác bỏ các cáo buộc và khẳng định ông luôn tuân thủ luật phòng chống tham nhũng. Trước đó, Thủ tướng CH Czech Andrej Babis bác bỏ cáo buộc trốn thuế, còn Hoàng gia Jordan cho biết Vua Abdullah II giữ kín thông tin về các giao dịch không phải nhằm trốn thuế, mà chỉ bảo đảm quyền riêng tư và an ninh.

Hồ sơ Pandora nhắc đến những ai?

Mắt xích quan trọng Alcogal

Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho rằng một công ty luật có tiếng tăm ở Panama bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora đã giúp thành lập nhiều công ty bình phong giúp các chính trị gia và nhân vật nổi tiếng giấu tiền. Cụ thể, Công ty Aleman, Cordero, Galindo & Lee, còn gọi là Alcogal, có dính líu việc thành lập các công ty ngoại biên để chuyển tiền cho Vua Abdullah II của Jordan, Thủ tướng CH Czech Andrej Babis, Tổng thống Milo Djukanovic của Montenegro và 3 cựu tổng thống của Panama cùng nhiều người khác. Alcogal thành lập vào thập niên 1980 bởi ông Jaime Aleman, con trai cựu Đại sứ Panama tại Mỹ.

Theo ICIJ, Alcogal giúp thành lập 14.000 tổ chức ở Belize, Virgin Islands thuộc Anh và Panama để khoảng 15.000 khách hàng giấu tiền từ năm 1996. Vai trò của Algocal nổi bật đến mức chiếm gần 2 triệu trong số 11,9 triệu tài liệu trong Hồ sơ Pandora. “Alcogal đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực né thuế và bảo vệ tài sản. Trong 3 thập niên qua, Alcogal đã trở thành thỏi nam châm cho giới giàu có và quyền lực ở Mỹ La tinh và những nơi khác muốn che giấu tài sản ở hải ngoại, đôi khi nhằm né thuế và tránh bị điều tra hình sự”, theo ICIJ.

Những công ty ngoại biên (offshore) được thành lập tại các thiên đường thuế, thuộc sở hữu của những giám đốc bình phong không có vai trò thực tế, liên kết với các ngân hàng để giúp khách hàng che giấu tài sản. Hệ thống ngân hàng và những chuẩn mực tư pháp buộc các công ty như Alcogal thận trọng đánh giá nguy cơ có thể vô tình tiếp tay rửa tiền và các hoạt động phạm tội khác trước khi tiếp nhận khách hàng. Tuy nhiên, Alcogal bị cho là lập các công ty ngoại biên để phớt lờ việc đánh giá, dù Alcogal bác bỏ cáo buộc.

Phản ứng về Hồ sơ Pandora, chính phủ Mỹ cho biết sẽ “triệt phá các thủ đoạn bất công hỗ trợ các tập đoàn lớn”, “đã đến lúc quan tâm đến những người Mỹ làm việc vất vả và đảm bảo giới siêu giàu đóng góp đủ phần của họ”. Tại Úc, cơ quan thuế cho biết sẽ xem xét bất cứ mắt xích nào liên quan công dân nước này. Khoảng 400 công dân Úc có tên trong hồ sơ.

Tương tự, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho hay chính phủ sẽ điều tra mọi công dân có tên trong hồ sơ, trong đó có các nhân vật thân cận và một số bộ trưởng. Về phần mình, chính phủ Panama cho biết sẽ bắt đầu giám sát các công ty dịch vụ ngoại biên có tên trong hồ sơ. Nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Mexico, Ấn Độ, Brazil và Anh cũng cho biết sẽ điều tra về Hồ sơ Pandora. Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế như Oxfam International và Tax Justice Network kêu gọi các bên liên quan lập tức hành động nhằm đảm bảo minh bạch và tránh để giới siêu giàu né thuế. Nhiều chính trị gia châu Âu cho rằng Hồ sơ Pandora là “lời cảnh tỉnh” cho các bộ trưởng tài chính vì họ dự định xóa tên nhiều nước khỏi danh sách đen về thiên đường thuế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.