Thế giới năm 2022: Thiên tai giáng đòn sinh tử

30/12/2022 07:00 GMT+7

Từ mùa hè với những đợt nóng kỷ lục lan khắp Bắc Bán Cầu đến các siêu bão gây thiệt hại khủng khiếp, năm 2022 gần như không thể thoát được vòng vây của thời tiết cực đoan.

Năm 2022 chứng kiến những kỷ lục về thời tiết không hề mong muốn. Biến đổi khí hậu đã làm thiên tai trở nên nguy hiểm hơn, diễn ra với tần suất thường xuyên hơn trên khắp thế giới. Ngay những ngày cuối cùng của năm này, bão tuyết kinh hoàng và băng giá đã cướp đi mạng sống của hàng chục người ở Mỹ, Nhật và hiện vẫn đe dọa cuộc sống hàng triệu người.

Thành phố Mỹ gượng dậy sau trận bão tuyết lịch sử, 34 người thiệt mạng nhưng có thể còn nhiều hơn

Đài Sky News dẫn lời giáo sư Tom Oliver tại Đại học Reading (Anh) cảnh báo những sự kiện này tương tác với nhau và tạo ra hiệu ứng dây chuyền. “Thời tiết cực đoan có liên quan đến tình trạng thiếu lương thực, nhiều người bị đẩy vào tình trạng sống tha hương và kéo theo đó là xung đột địa chính trị”, ông phân tích.

Giới chuyên gia đồng loạt nhắc nhở: Con người đang phải đối diện một thế giới biến động, bất ổn, và đó là hậu quả đến từ tốc độ biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng.

Cháy rừng ở miền tây nam nước Pháp vào tháng 7

Reuters

Mức nhiệt chưa bao giờ cao đến thế

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ ở Anh đã vượt qua ngưỡng 40 độ C vào hè năm nay. Thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều chuyến bay bị hoãn, các đường ray xe lửa oằn xuống và méo mó, trong khi hỏa hoạn xảy ra khắp nơi.

Trên toàn châu Âu, nhiệt độ trung bình cũng cao nhất trong tháng 8 và cả mùa hè, theo số liệu của Dịch vụ quan sát tình trạng biến đổi khí hậu Copernicus. Bloomberg dẫn dữ liệu chính thức cho thấy mùa hè nóng kỷ lục năm 2022 nhiều khả năng đã gây ra cái chết của hơn 20.000 người ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.

Hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, có đoạn phơi đáy vì hạn hán

AFP

Hạn hán nghiêm trọng nhất trong 500 năm

Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy những đợt nắng nóng kỷ lục nêu trên đã đẩy châu Âu vào tình thế hứng chịu hạn hán nghiêm trọng nhất trong 500 năm. Các con sông đóng vai trò huyết mạch của châu Âu đã không nhận được đủ nước sau một mùa đông và mùa xuân ít mưa bất thường. Nhiều khu vực ở Tây, Trung và Nam Âu gần như không có mưa vào mùa hè, theo tờ The Guardian. Hậu quả là mực nước sông Rhine sụt giảm mạnh, sông Po của Ý, sông Danube chảy qua nhiều nước châu Âu như Serbia, Romania và Bulgaria cũng mất đi lưu lượng nước ở mức độ chưa từng có.

"Nếu thấy ta, hãy khóc": Sông cạn, "đá đói" lộ diện giữa cơn hạn hán châu Âu

Hạn hán càng làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năng lượng. Pháp sử dụng nước sông làm mát các nhà máy điện hạt nhân cung cấp đến 70% lượng điện của nước này. Vì thế sông khô cạn cũng có nghĩa là các nhà máy hạt nhân phải cắt giảm công suất.

Đàn bò bị tuyết bám đầy ở Sturgis (Nam Dakota, Mỹ) ngày 16.12

Reuters

Cháy rừng phóng thích ô nhiễm kỷ lục

Các đợt sóng nhiệt và hạn hán kéo dài đã gây nên những vụ cháy rừng trên khắp lục địa già. Diện tích rừng bị cháy trong năm 2022 thua năm 2017 nhưng lượng khí thải phóng thích từ các vụ cháy rừng năm nay đã đạt mức kỷ lục kể từ khi châu Âu bắt đầu ghi nhận số liệu này. “Mùa cháy rừng năm nay rất khốc liệt không những về khía cạnh diện tích rừng bị cháy, mà còn đến từ số vụ cháy và mức độ nguy hiểm do đám cháy mang lại”, Sky News dẫn lời tiến sĩ Jesús San-Miguel-Ayanz thuộc Đơn vị Quản lý rủi ro thiên tai của Ủy ban châu Âu.

Cả hạm đội Đức đột ngột nổi lên giữa sông vì hạn hán

Nóng không tưởng

Dự báo cho năm 2023

Các chuyên gia cảnh báo những gì đã xảy ra trong năm 2022 có thể mới chỉ là bắt đầu. CNA dẫn lời giáo sư Mark Howden, Giám đốc Viện Giải pháp cho khí hậu, năng lượng và thiên tai của Đại học Quốc gia Úc, dự báo: “Rõ ràng biến đổi khí hậu là yếu tố đang tiếp diễn và điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra thời tiết cực đoan trong năm sau”.

Giáo sư Rachel Bezner Kerr của Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng vẫn còn cơ hội, dù ngày càng ít ỏi hơn trước, để hành động nếu muốn tránh tương lai đầy rẫy thiên tai cho các thế hệ kế tiếp.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mạnh mẽ cảnh báo nhân loại phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn là hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay "cuộc tự sát tập thể".

Ấn Độ đã trải qua tháng 3 nóng nhất trong lịch sử kể từ khi dữ liệu khí hậu được ghi chép suốt hơn 120 năm qua. Bên cạnh đó, nhiệt độ trên đất liền ở miền nam Ahmedabad tăng lên 65 độ C vào tháng 4. Cùng với tình trạng thiếu năng lượng, năng suất một số cây trồng bị tổn thất đến 50%. Khi nhiệt kế tăng lên 50,2 độ C ở TP.Nawabshah thuộc miền nam Pakistan, giới khoa học cho rằng đây là mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở bất kỳ nơi nào trên địa cầu trong tháng 4.

Sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão, lũ lụt

Chỉ tính riêng trong năm 2022, siêu bão Ian đứng đầu danh sách “phá hoại”. Công ty tái bảo hiểm Munich Re (Đức) ước tính tổn thất do siêu bão và bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương là khoảng 110 tỉ USD, Ian chiếm 100 tỉ USD trong số này. Công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) tính toán siêu bão Ian chỉ thua siêu bão Katrina (Mỹ) vào năm 2005 nếu so về tổng số tiền phải chi trả bảo hiểm. Khi bão tan, số ca nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”, tên khoa học là Vibrio vulnificus, đã gia tăng ở bang Florida. Đến cuối tháng 10, tiểu bang Mỹ phát hiện 65 trường hợp nhiễm khuẩn, trong đó 11 ca tử vong.

Từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, nhiều khu vực của Pakistan hứng mưa kỷ lục, kéo theo đó là lũ quét, đất chuồi và những con sông bị vỡ bờ. Khoảng 1,7 triệu ngôi nhà bị phá hủy và hơn 1.700 người thiệt mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.