Thế giới 2016: Một năm nhìn lại

31/12/2016 08:00 GMT+7

Năm 2016 chứng kiến nhiều sự kiện địa chính trị quan trọng diễn ra, mời bạn cùng Thanh Niên Online điểm lại 10 vấn đề đáng chú ý nhất trong năm.

1. Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam và Cuba

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong Lễ đón chính thức diễn ra tại Phủ chủ tịch, ngày 23.5 TRƯỜNG SƠN

Với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, công bố trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5.2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh điều này nằm mục đích bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa 2 nước.

Hình ảnh Tổng thống Barack Obama và Anthony Bourdain trong quán bún chả Hương Liên tại Hà Nội tối 23.5.2016 FACEBOOK CỦA ĐẦU BẾP ANTHONY BOURDAIN

Hình ảnh một vị tổng thống Mỹ ngồi ghế nhựa ăn bún chả trong quán bình dân ở Hà Nội hay dí dỏm, thân thiện trả lời các câu hỏi của giới trẻ TP.HCM cũng đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro hội đàm tại thủ đô Havana, Cuba ngày 21.3.2016 Reuters

Trước đó, vào tháng 3.2016, ông Obama có chuyến thăm lịch sử đến Cuba, trở thành vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm nước láng giềng trong gần 90 năm qua, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ song phương.

2. Vĩnh biệt huyền thoại Fidel Castro

Thiếu niên Cuba bên tấm ảnh chân dung Fidel Castro ở Havana ngày 12.8.2016 REUTERS

Cựu chủ tịch Cuba, nhà cách mạng lỗi lạc Fidel Castro từ trần ở tuổi 90 vào ngày 25.11.2016 trước sự tiếc thương của nhân dân Cuba. Lãnh tụ Fidel đã lãnh đạo cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista vào năm 1959, và lãnh đạo đất nước Cuba trong suốt 5 thập niên. Fidel từng tiết lộ ông sống sót sau 634 nỗ lực hoặc âm mưu ám sát mình, đa phần do những tổ chức người Cuba lưu vong ở Mỹ và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) lên kế hoạch.

Cuba đã quyết định không cho dựng tượng và đài tưởng niệm lãnh tụ Fidel Castro cũng như dùng tên ông để đặt tên đường, các tòa nhà hoặc những địa điểm công cộng, thể theo di nguyện trước đó của lãnh tụ Fidel.

3. Ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Giành được giành được 306 phiếu đại cử tri, ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ AFP

Tỉ phú bất động sản Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ nặng ký Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8.11, trái với tất cả dự đoán của giới phân tích, các cuộc thăm dò dư luận và cả sự chắc mẩm của các quan chức nước này. Ông Trump chưa từng có kinh nghiệm trên chính trường, cũng là nhân vật có nhiều phát ngôn gây tranh cãi nhất trong suốt thời gian tranh cử, ông thậm chí còn bị các tờ báo lớn và những quan chức kỳ cựu của đảng Cộng hòa “bỏ rơi”.

Video: Bầu cử Mỹ, khi tầng lớp lao động nổi giận

Chiến thắng vang dội của ông Trump không chỉ tác động mạnh mẽ đến nước Mỹ mà còn khiến cả thế giới phải dõi theo. Những chính sách ông đưa ra khi tranh cử làm các nước đồng minh và đối tác của Mỹ từ châu Á đến châu Âu phải lo ngại. Với tuyên ngôn “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, người ta nhìn thấy đường hướng về một tương lai biệt lập hơn của nước Mỹ dưới thời ông Trump. Thậm chí chính phủ của ông Obama còn tố cáo nước Nga đã tấn công mạng máy tính để cố can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, mang lại lợi thế cho ông Trump.

Với những gì đã qua, thế giới chỉ có thể chờ xem nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ làm gì sau ngày nhậm chức 20.1.2017.

4. Biển Đông vẫn nóng sau phán quyết của toà Trọng tài quốc tế

Tòa trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) vào ngày 12.7 đưa ra phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” là một việc làm hợp lý PCA

Toà trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) hồi tháng 7.2016 ra phán quyết bác bỏ "quyền lịch sử" cũng như yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Thuỷ thủ tàu khu trục Mỹ USS Mustin đưa UUV lên tàu sau khi phía Trung Quốc trao trả trên Biển Đông ngày 20.12.2016 HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG

Bất chấp phán quyết, Trung Quốc vẫn tăng cường xây dựng và quân sự hoá, triển khai vũ khí đến các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông cũng như liên tục tập trận. Đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng khi Washington nhiều lần cử tàu chiến tuần tra Biển Đông. Đỉnh điểm của căng thẳng là vụ hải quân Trung Quốc chặn bắt thiết bị lặn UUV của Mỹ hồi giữa tháng 12 và vài ngày sau mới trao trả.

5. Khủng bố tiếp tục đe doạ thế giới, rộ tấn công kiểu 'sói đơn độc'

Chiếc xe tải mà hung thủ Mohamed Lahouaiej-Bouhlel người Pháp gốc Tunisia (31 tuổi) dùng tông vào đám đông người xem bắn pháo hoa mừng Quốc khánh Pháp ngày 14.7.2016 ở Nice khiến 84 người thiệt mạng Reuters

Năm 2016, khủng bố tiếp tục là mối đe doạ nguy hiểm toàn cầu. Những khu vực hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố không chỉ tập trung ở Trung Đông, Nam Á, châu Phi mà còn lan sang Đông Nam Á (vụ khủng bố ở thủ đô Jakarta, Indonesia tháng 1) và đặc biệt là châu Âu (vụ đánh bom ở Brussels (Bỉ, ngày 22.3), ở sân bay tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ, 29.6), Nice (Pháp, ngày 14.7), Berlin (Đức, 19.12)... Những cuộc tấn công này đã làm hàng trăm người chết.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al-Qaeda, Boko Haram dù để mất nhiều phần lãnh thổ nhưng cũng tranh thủ gây ảnh hưởng và góp phần tạo ra một hình thức khủng bố không mới nhưng trở nên phổ biến hơn, gọi là "sói đơn độc". Gây chấn động nhất của dạng tấn công khủng bố đơn độc này phải kể đến vụ xả súng ở hộp đêm của người đồng tính tại thành phố Orlando (Mỹ) vào ngày 12.6 làm 42 người chết, vụ tấn công bằng xe tải ở Nice (Pháp) vào ngày 14.7 làm 82 người chết, hoặc vụ khủng bố tại Berlin (Đức) ngày 19.12 làm 4 người chết…

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov ngã xuống sàn nhà sau khi bị Mevlut Mert Altintas bắn, ngày 19.12.2016 REUTERS

Đối tượng tấn công của khủng bố thuộc mọi tầng lớp, giới tính, lứa tuổi. Tiêu biểu là vụ xả súng ở Orlando nhắm vào cộng đồng người đồng tính cho đến vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov ngày 19.12.

6. Thiên tai hoành hành, động đất gây thiệt hại lớn

Cảnh tan hoang tại thị trấn Pescara del Tronto, miền trung Ý sau trận động đất mạnh 6,2 độ Richter vào tháng 8 Reuters

Năm 2016 được coi là một trong những năm có số lượng các đợt thiên tai diễn ra với cường độ lẫn tần suất cao, đặc biệt là các trận động đất.

Những vụ có số người thiệt mạng lớn nhất gồm động đất ở Đài Loan hồi tháng 2 (117 người chết), miền trung Ý vào tháng 8 (hơn 240 người), Indonesia (tháng 12, hơn 100 người) và đặc biệt là trận động đất tại Ecuador hồi tháng 4 làm hơn 600 người thiệt mạng.

Ngoài ra, một số trận động đất khác xảy ra dù không gây thương vong nhiều nhưng cũng đáng chú ý vì có cảnh báo sóng thần và khiến hàng ngàn người phải sơ tán như ở New Zealand, Nhật Bản, Indonesia và ở Myanmar - trận động đất hồi tháng 8 khiến hàng ngàn ngôi chùa cổ bị đổ sập.

Những vụ khác góp phần biến 2016 thành năm của những thảm hoạ còn có chuỗi vụ cháy rừng cực lớn ở bang California (Mỹ) khiến hàng trăm ngàn hecta rừng thành than; trận lũ lụt lịch sử tại bang Louisiana (Mỹ) làm hàng chục ngàn người mất nhà cửa, trận "bão tuyết của thế kỷ" Jonas tại miền bắc nước Mỹ vào tháng 1.

7. Hồ sơ Panama gây chấn động

Video: Hồ sơ Panama gây chấn động toàn cầu

Dư luận thế giới chấn động khi Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) tung ra “Hồ sơ Panama” vào đầu tháng 4.2016, phanh phui hoạt động của Hãng luật quốc tế Mossack Fonseca ở Panama giúp các quan chức, doanh nhân, giới siêu giàu và người nổi tiếng trốn thuế như thế nào.

Đây là kho dữ liệu khổng lồ chứa các thông tin của hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở những “thiên đường trốn thuế”. Hồ sơ Panama cho thấy ít nhất 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia cùng người thân, hàng chục chính khách, tỉ phú và người nổi tiếng đã thông qua Mossack Fonseca để lập các công ty “ma” nhằm che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền. Thủ tướng Iceland Sigurdur Ingi Johannsson đã từ chức sau đó vì Hồ sơ Panama.

8. Những vụ mất chức đình đám nhất trong năm

Những giọt nước mắt của nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye Reuters

Không dưới 10 lãnh đạo của  thế giới đã mất chức trong năm qua với đủ mọi lý do khác nhau. "Nổi trội" nhất trong hạng mục mất chức vì thất bại chính trị có Thủ tướng Anh David Cameron, người đã đem cái ghế của mình ra để đánh cược trong cuộc trưng cầu dân ý mong người dân Anh chọn ở lại với Liên minh châu Âu. Nhưng ông đã "thua cược". Tương tự, ông Matteo Renzi, người từng trở thành thủ tướng Ý trẻ nhất khi mới 39 tuổi cũng ngậm ngùi từ chức vào ngày 5.12 sau khi không thể thuyết phục người dân chọn thay đổi hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý.

Còn ở Brazil, nữ tổng thống đầu tiên Dilma Rousseff mất chức vào tháng 5 sau phiên luận tội tại quốc hội và chính thức bị bãi nhiệm cuối tháng 8 vì cáo buộc làm trái quy định để che giấu thâm hụt về ngân sách. Ở hạng mục mất ghế vì xì căng đan còn có Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur Gunnlaugsson. Cơn bão Hồ sơ Panama đầu tháng 4 làm lộ khối tài sản khủng mà vợ chồng ông giấu ở nước ngoài đã thổi bay cái ghế của ông.

Thủ tướng New Zealand, John Key nói rằng đảng cầm quyền đã làm việc tốt và đến lúc để ông chuyển giao quyền lực cho một lãnh đạo mới REUTERS

Vụ từ chức "vinh quang" nhất trong năm 2016 có lẽ thuộc về Thủ tướng New Zealand, ông John Key - nhân vật đang ở đỉnh cao quyền lực dẫu đã ở nhiệm kỳ thứ 3. Lý do ông từ chức: không muốn vợ cô đơn khi ông mải lo việc thiên hạ nữa!

Còn vụ mất ghế bí ẩn nhất thuộc về Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, khởi đầu bằng vụ xì căng đan về quan hệ khó hiểu với một người bạn gái chẳng có chức vụ gì nhưng có thể can thiệp cả vào nội dung diễn văn chính trị của bà. Tiến trình xem xét luận tội bà Park đã bắt đầu và thủ tướng Hàn Quốc đã tạm quyền tổng thống.

9. Triều Tiên liên tục thử tên lửa, hạt nhân

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem các mô hình tên lửa của nước này REUTERS

Triều Tiên khiến thế giới lo ngại khi hai lần thử hạt nhân và nhiều lần phóng tên lửa, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, không còn bênh vực Bình Nhưỡng khi tham gia cùng cộng đồng thế giới áp đặt các biện pháp cấm vận với nước này.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khiến Hàn Quốc và Mỹ lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), và Nhật Bản lần đầu hợp tác Hàn Quốc chia sẻ thông tin tình báo về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

10. Brexit: Nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU

Người dân Anh thì hớn hở muốn rời khỏi EU Reuters

Trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23.6, đa số cử tri Anh đã bỏ lá phiếu quyết định để nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng David Cameron sau đó phải từ chức và người thay thế là nữ chính trị gia cứng rắn Theresa May, trước đó giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.

Sự kiện này làm chấn động khối liên minh vốn được xem là hình mẫu cho sự vững mạnh và bản sắc tập thể trên thế giới. Việc một trụ cột quan trọng rời khối khiến EU phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn cả về kinh tế, chính trị và an ninh, thậm chí nhiều người lo ngại một hiệu ứng domino rời bỏ EU có thể xảy ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.