Thế cuộc khó đoán định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

08/09/2020 18:05 GMT+7

Nhiều nhận xét đều đánh giá Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực đang đóng vai trò then chốt của tình hình địa chính trị thế giới hiện tại. Nhưng chính trong khu vực này, các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng đang quan sát các động thái từ Washington.

Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Mỹ đang nỗ lực ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ muốn tham gia một cuộc chơi lớn hơn, Nhật Bản thì đang tìm lại ảnh hưởng ở khu vực, Indonesia muốn hình thành một đòn bẩy lớn hơn, Úc muốn xây dựng một liên minh mạnh mẽ...

Tuy nhiên, cũng chính trong khu vực này, các đồng minh và đối tác của Mỹ đều đang quan sát xem Washington có thêm động thái gì đáng kể sau khi lưỡng đảng quốc hội Mỹ thông qua gói ngân sách quốc phòng khổng lồ, cũng như những động thái sau bầu cử tổng thống nước này. Bởi những động thái cụ thể sẽ thể hiện cam kết một cách cụ thể hơn.

Thách thức cho Mỹ

Mới đây, Quốc hội Mỹ thông qua gói ngân sách quốc phòng trị giá 740 tỉ USD cho năm tài chính 2021. Đây được xem như một cam kết năng lực cạnh tranh trước một Trung Quốc đang nổi lên ở khu vực. Washington cũng ưu tiên xây dựng Sáng kiến răn đe Indo-Pacific (IPDP). Các động thái này nhằm củng cố uy tín của Mỹ đối với khu vực, cũng như đối với các đồng minh và đối tác.

Các chiến hạm của Mỹ và Úc cùng tham gia cuộc tập trận chung gần đây

Ảnh: PACOM

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng tình hình kinh tế Mỹ đang giảm sút nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tình trạng thâm hụt ngân sách của nước này cũng lên đến mức hàng ngàn tỉ USD. Mức độ thâm hụt ngân sách có thể còn tăng lên do phải ứng phó bệnh dịch và tiêu tốn cho các hoạt động hỗ trợ quân đội Mỹ ở Indo-Pacific nhằm đối phó với chủ nghĩa bành trướng mà Trung Quốc đang tiến hành tại khu vực này.

Ông Bryan McGrath, Giám đốc điều hành của Công ty FerryBridge - chuyên tư vấn về hải quân và các vấn đề an ninh, nhận xét rằng: “Những hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng như tình trạng nợ công tăng cao sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ. Sự ảnh hưởng này vẫn còn nối tiếp trong các năm tiếp theo, bất kể ai là người thắng cử vị trí Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tới”.

Điều đó có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm ngân sách quân sự như Mỹ từng thực hiện vào những năm cuối thập niên 1980 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, hay những năm đầu của thập niên 2010 dưới thời Tổng thống Barack Obama khi Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Vừa qua, Nhà Trắng đã ủng hộ Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2021, năm thứ 60 đạo luật này được thông qua liên tục. NDAA là đạo luật liên bang hằng năm quy định chi tiêu và ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm đó. Tuy nhiên, mối đe dọa đạo luật này bị phủ quyết bởi quốc hội (tức không đáp ứng theo đề xuất của Lầu Năm Góc và phải chỉnh sửa theo ý kiến của Quốc hội - NV) chẳng phải là không thể xảy ra, theo nhận định của Giám đốc truyền thông Hạ viện Mỹ Claude Chapin và nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry.

Điển hình như, dù chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng cường liên minh, thu hút các đối tác mới - có vai trò hỗ trợ quan trọng cho an ninh quốc gia - trong NDAA, nhưng giữa Nhà Trắng và Quốc hội vẫn còn một số bất đồng về vấn đề này. Điều đó khiến cho đạo luật có thể bị phủ quyết. Trong khi đó, một đánh giá của Viện Brookings (Mỹ) mới đây nhận định: “Mạng lưới liên minh và đối tác của Mỹ là trọng tâm chiến lược của Washington ở châu Á quan trọng nhất kể từ sau Thế chiến 2 đến nay. Đây là phương tiện chính để thúc đẩy sự phối hợp đảm bảo an ninh ở Indo-Pacific”.

Rủi ro cho khu vực

Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng đến gần, chính quyền đương nhiệm chắc chắn sẽ còn nhấn mạnh đến sự cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra ở Indo-Pacific, còn Bắc Kinh sẽ tìm cách giảm nhẹ luận điệu vốn có nhằm hạn chế nguy cơ chủ nghĩa dân tộc tăng cao ở Trung Quốc khiến nước này bị đánh giá tiêu cực về hình ảnh trên trường quốc tế.

Thế nhưng, cũng có một thực tế khác là Trung Quốc vẫn đang tiến hành các hoạt động xâm phạm chủ quyền các bên trong khu vực. Điều đó khiến một số nước Đông Nam Á đứng trước những thách thức khó lường. Trong bối cảnh như vậy, nếu Sáng kiến Tái đảm bảo Indo-Pacific (IPRI) trị giá 6,9 tỉ USD - nằm trong gói ngân sách quốc phòng mới của Mỹ, không được thông qua thì một số nước ở Đông Nam Á và cả Đài Loan có thể gặp khó khăn.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và nhất là những hành vi của nước này ở Biển Đông đang khiến các nước tăng cường hợp tác đa phương. Nhưng trong tình hình hiện tại, một số nước ở Đông Nam Á vẫn phải phòng ngừa những điều không như kỳ vọng đối với sự cam kết của Mỹ.

James Borton là một chuyên gia về khu vực Đông Nam Á và Biển Đông trong hơn 20 năm qua. Ông có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu với các đại học của Mỹ và một số nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.