Thế chân vạc

10/01/2022 11:29 GMT+7

Mỹ, Nhật và Úc hình thành thế chân vạc ở trong “bộ tứ” nói riêng và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific) nói chung.

Cờ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và cờ Úc cắm trên tàu chiến Umigiri. Ảnh tư liệu

Reuters

Việc Mỹ và Nhật Bản ký kết thỏa thuận về tăng cường sự sẵn sàng hành động quân sự và cùng nhau hành động quân sự là chất lượng và cấp độ mới của quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống giữa 2 nước này. Phía Washington hài lòng bao nhiêu về việc Nhật Bản tiếp tục trang trải chi phí cho sự hiện diện của hơn 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Nhật Bản thì Tokyo hài lòng bấy nhiêu về việc Mỹ cam kết với thỏa thuận mới này, giúp Nhật Bản tăng cường vai trò, ảnh hưởng chính trị và an ninh ở khu vực cũng như châu lục.

Nhưng không chỉ có như vậy. Trong năm 2021 vừa qua, Mỹ cùng Anh đã ký kết với Úc thỏa thuận về hình thành liên minh an ninh 3 bên, Washington đặt Canberra ngang hàng với London trên phương diện này. Mới đây, Nhật và Úc ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, loại thỏa thuận hợp tác mà Nhật Bản mới chỉ ký kết với Mỹ. Mỹ, Nhật và Úc là 3 trong cái gọi Bộ tứ kim cương cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific) vốn có thêm Ấn Độ. Vậy là họ hình thành thế chân vạc ở trong “bộ tứ” nói riêng và ở khu vực nói chung.

Tàu khu trục Nhật Bản lần đầu hộ tống tàu chiến Úc

Dù thế nào, 3 nước này cũng không xua đẩy được cảm nhận và đánh giá họ đều mưu tính đối phó với những ý đồ chiến lược và hành động cụ thể của Trung Quốc ở khu vực. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, an ninh ở eo biển Đài Loan và Biển Đông đều hiện diện trên chương trình nghị sự của hợp tác song phương cũng như 3 bên Mỹ - Nhật - Úc. Cũng vì vậy, thế chân vạc mới dần hình thành và rồi định hình như hiện tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.