Thấy lãi cao, lãi nhanh phải nghĩ ngay đến nguy cơ lừa đảo

27/04/2022 05:51 GMT+7

Hình thức huy động vốn đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tiền đã được cảnh báo lâu nay nhưng nhiều người vẫn sập bẫy.

Bên cạnh khuyến cáo mọi người tỉnh táo trước các 'chiêu lừa', bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn ngừa tình trạng này để xã hội không còn phải gánh những hậu quả nặng nề.

TAND TP.HCM mới đây đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Thế Kiên (39 tuổi, ngụ Bắc Giang) cùng 5 đồng phạm thành lập công ty để huy động vốn đa cấp, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Theo cáo trạng, Kiên và đồng phạm tổ chức hội thảo, đưa thông tin lên website nói đang hợp tác đầu tư, xây dựng các dự án, nếu khách góp vốn vào các dự án sẽ được trả lãi cao trong vòng 90 ngày. Ngoài ra, nếu ai giới thiệu người khác góp tiền sẽ được hưởng hoa hồng, với các mức thưởng từ 10 - 30%.

Các bị cáo trong vụ huy động vốn đa cấp, lừa 102 tỉ đồng của 161 người

Song Mai

Thời gian đầu, Kiên trả gốc và lãi đầy đủ cho các bị hại để tạo lòng tin, sau đó các bị hại không nhận được tiền và không còn liên hệ được với các bị cáo. Từ ngày 1.6.2016 đến tháng 11.2016, Kiên cùng đồng phạm đã lừa 161 người, chiếm đoạt 102 tỉ đồng.

Nạn nhân trong vụ việc, bà N.T.K.O (nhân viên văn phòng) cho biết, em trai bà bỏ ra 10.000 USD, bán nhà thêm được 2,4 tỉ đồng để tham gia. Ban đầu, em trai bà nhận lãi hơn 466 triệu đồng nên rủ bà tham gia cùng. Bà bỏ ra 177 triệu đồng, mới chỉ nhận được 15 triệu đồng tiền lời. “Tôi lấy tiền dành dụm tham gia. Đến khi phát hiện mình bị lừa, hai chị em tôi giận nhau, đến giờ ở tòa cũng không nhìn mặt”, bà O. nói.

Các bị hại đều cho rằng họ tin lời chào mời đầu tư dự án, tin vào việc đầu tư sẽ sinh lời lớn. Chỉ vì ham lợi, người mất ít thì vài chục triệu đồng, người mất nhiều lên đến hàng tỉ đồng. Có người bán nhà, vay nợ ngân hàng, vay nóng để đầu tư vào dự án nhưng tiền lời chưa có, tiền vốn biệt tăm.

Theo HĐXX, không có hình thức nào kinh doanh lời nhanh và nhiều như vậy. Nếu các bị hại cảnh giác, kiểm tra và đề phòng, đừng vì cái lợi trước mắt thì sẽ phát hiện hành vi gian dối của bị cáo.

“Miếng pho mát thơm luôn nằm trên cái bẫy”

Nhiều bạn đọc (BĐ) chỉ ra những điểm vô lý của trò lừa đảo huy động vốn đa cấp, nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy. Theo BĐ Thanh Dao Xuan: “Cứ hiểu rằng họ đang lấy chính tiền của bạn để trả cho bạn, nhưng lại đổi cách gọi tên là tiền lãi. Bạn đóng 1 tỉ đồng, tháng đầu họ trả lại 50% cũng vẫn là tiền của bạn thôi. Hãy luôn suy nghĩ và tỉnh táo”. BĐ Tran Van Hung cùng quan điểm: “Đầu tư xây dựng gì mà có lời liền nhanh vậy, có phải là tiền của “nhà đầu tư” bỏ vô rồi được ngắt ra đưa lại cho chính người nộp không? Nếu đầu tư có lợi, thì họ kêu gọi người thân, chứ làm gì đã đến tay người ngoài mà ham. Thấy lãi cao, lãi nhanh thì phải nghĩ ngay đến nguy cơ lừa đảo”.

BĐ Vuong Thuy Nhien cho rằng: “Kinh doanh dự án nhỏ cho chính mình cũng đã phải cầm lên đặt xuống, trong khi đây là chuyện bỏ số tiền lớn cho người khác đem đi làm ăn. Anh em, bạn bè làm ăn chung có khi không thành rồi không nhìn mặt nhau, ở đâu ra người dưng mà mời chào hấp dẫn vậy. Miếng pho mát thơm luôn nằm trên cái bẫy. Đừng để không được cắn miếng pho mát nào mà còn mắc kẹt trong cái bẫy”. BĐ Nguyen Jenny cảnh tỉnh: “Bạn thử nghĩ coi thời buổi khó khăn, làm ăn gì lời được 30%? Cứ suy ra là biết kịch bản lừa”.

Đừng để xảy ra rồi đi giải quyết hậu quả

Chính các nạn nhân của chiêu lừa huy động vốn đa cấp thừa nhận đã quá tin vào lời mời chào sinh lợi hấp dẫn của các “dự án”. “Khi tòa xử cũng đã nhận định, không có loại hình kinh doanh gì mà lời nhiều và nhanh vậy, thì liệu đã đủ cảnh tỉnh cho nhiều người chưa. Ham lợi nhanh, mờ mắt với khoản lợi được nhử trước mắt nhưng rồi chỉ có trong tưởng tượng. Không làm gì mà chờ để nhận nhiều tiền thì có phải phi lý không”, BĐ Kamar nhìn nhận. BĐ Trần Vũ nêu ý kiến: “Các công ty đa cấp chỉ cần đánh vào tâm lý ngồi mát ăn bát vàng, một vốn bốn lời là đưa được nhiều người vào bẫy. Nói thẳng là nhiều người nổi lòng tham khi kẻ lừa đảo đưa ra món hời”.

BĐ truonghoang…@gmail nhận định: “Hình thức huy động vốn bằng chiêu trò rồi chiếm luôn kiểu này rõ ràng là đã vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cảnh báo đã nhiều, truyền thông thường xuyên phản ánh, nhưng vì sao vẫn còn có nạn nhân? Lòng ham muốn của một người chỉ có thể được ngăn chặn khi có biện pháp cụ thể, hiệu quả chứ không thể chỉ là lời khuyên nhủ”. BĐ Pham Phuong đề xuất: “Đối với những công ty lừa lọc đã gây ra hậu quả rồi thì cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp để xử lý, khắc phục thiệt hại cho người dân. Mặt khác, từ nhiều vụ việc lừa đảo đa cấp liên tục xảy ra thời gian qua, các cơ quan ban ngành cần có giải pháp ngăn ngừa từ đầu. Phát hiện để ngăn chặn chứ không phải phát hiện để giải quyết hậu quả”.

* Rất đơn giản nhé các bạn: Nếu dự án của họ an toàn thì họ vay ngân hàng cho lãi suất thấp hơn, vay chi của các bạn.

Nguyen Van Hoang

* Thủ đoạn lừa đảo này “xưa rồi diễm”, vậy mà vẫn có nhiều người mắc bẫy như thường!

Tuyen Le

* Báo đài nói nhiều rồi. Cũng có bao nhiêu “tấm gương” rồi nhưng nhiều người vẫn lao đầu vào. Đâu phải do không hiểu biết mà do lòng tham. “Tham thì thâm”, các cụ xưa đã nói rồi mà.

Việt Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.