Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen

Thầy hiệu trưởng nêu gương tiết kiệm điện

07/05/2024 12:29 GMT+7

Ở trường tôi đang công tác, dù chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu phải tiết kiệm điện, song những hành động nhỏ của thầy hiệu trưởng trong vấn đề này trở thành tấm gương để mọi cán bộ, giảng viên, sinh viên… noi theo.

Trường tôi có tên gọi là Trường cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội (HACTECH). Vì vậy có rất nhiều phòng học thực hành và máy móc sử dụng năng lượng điện nên hằng tháng nhà trường phải chi trả hóa đơn tiền điện khá lớn, và người nắm rõ nhất con số ấy không ai khác là thầy hiệu trưởng.

Thầy hiệu trưởng nêu gương tiết kiệm điện- Ảnh 1.

Không gian xanh mát trước cửa phòng hiệu trưởng do chính thầy trồng

Ảnh: TGCC

Thầy hiệu trưởng còn khá trẻ, năm nay mới 46 tuổi, và là dân ngành điện - điện tử nên vì thế mà thầy hiểu được trong đời sống cần phải tiết kiệm điện như thế nào.

Tôi nhớ có lần vào phòng thầy năm ngoái, thời tiết ngoài trời khoảng 35 - 36 độ C, trong khi nhiều phòng ban trong trường đã sử dụng điều hòa nhưng riêng thầy vẫn chưa sử dụng. Thầy mở cánh cửa sổ bên bàn làm việc ra nơi đó có một cây phượng rất to, tỏa bóng mát và thầy sử dụng chiếc quạt treo tường để làm thông thoáng phòng. Tôi dò hỏi tại sao thầy không dùng điều hòa, thầy bảo rằng thầy thích cái gió mát tự nhiên hơn, với lại chưa thấy đến mức quá nóng để dùng điều hòa. Thêm nữa, tòa nhà hiệu bộ trường mình được người Pháp xây cách đây gần trăm năm, có tầng hầm, tường rất dày nên mát tự nhiên.

Thực ra, tôi biết thầy muốn tiết kiệm điện nhưng không tiện nói. Bước ra ngoài hiên trước cửa phòng thầy là một không gian rất xanh vì thầy tự tay trồng các loại cây leo giàn, cây cảnh để tạo thêm sự tươi mát, giảm nhiệt mùa hè; đặc biệt đây cũng là không gian xanh nhất do tay người trồng ở trường tôi. Tôi cho rằng đó chính là thông điệp mà thầy muốn gửi tới mọi người trong trường một cách rất tế nhị, thay vì những văn bản hành chính cứng nhắc.

Điều khác lạ nữa, thầy thường là người về cuối ở trường mỗi ngày khi xong xuôi công việc. Nhờ vậy, thầy thường phát hiện và nhắc nhở các phòng ban nào hay quên tắt các thiết bị điện để khắc phục. Do trường tôi, bác bảo vệ không trực đêm nên rất dễ thấy các phòng nào quên tắt điện ngay. Chính phòng tôi cũng đã mấy lần quên tắt đèn, quên tắt quạt và điều hòa… mà thầy hiệu trưởng là người đã phát hiện ra.

Ngay hôm sau, thầy lựa lời nhắc khéo phòng nào quên tắt điện hoặc nhắn tổ bảo vệ thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở các phòng ban tắt các thiết bị sử dụng điện trước khi về để đảm bảo an toàn.

Thầy còn là người sống rất giản dị và gần gũi mọi người. Hằng ngày, thầy đều mang cơm trưa từ nhà và đi làm bằng chiếc xe máy Dream cũ kỹ. Chính sự gần gũi đó nên đôi khi thầy tự "vi hành" các lớp học một mình mà sinh viên không hề biết đó là hiệu trưởng. Tại tất cả phòng học thầy đều cho dán biển thông tin "Tắt các thiết bị điện trước khi ra về" và dặn dò giảng viên để hình thành thói quen cho sinh viên, tránh tâm lý "điện công cộng" gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Để đảm bảo an toàn điện, thầy còn thường xuyên chỉ đạo kiểm tra hệ thống điện, đường dây dẫn để sửa chữa, thay thế kịp thời và phối hợp với công an phường tập huấn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, đối với các phòng thực hành, máy móc thực hành đời cũ đều được thay mới, không những đáp ứng yêu cầu giảng dạy mà còn giúp tiết kiệm điện, như: máy phay, máy tiện kim loại, hay các loại máy điều hòa "cổ" được thay thế bằng máy điều hòa tiết kiệm điện 5 sao.

Đúng như lời Bác Hồ từng dặn, một tấm gương sáng còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Chẳng cần phải văn bản hành chính hay chế tài phạt vì lỗi "quên" mà chỉ cần tấm gương của thầy hiệu trưởng là đủ. Tôi tin rằng mọi cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường tôi luôn nhận ra thông điệp tiết kiệm điện mà thầy hiệu trưởng muốn nhắn gửi qua những việc làm cụ thể của thầy hằng ngày còn hơn triệu lời nói. 

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.