Thầy giáo treo thưởng tiền lì xì 500.000 đồng để học sinh giải bài tập

11/02/2022 06:00 GMT+7

Chủ nhân của những tấm ảnh tiền lì xì được dán trên bảng để kích thích học sinh giải bài tập là thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên môn hóa, Trường Lê Thánh Tôn, Q.7 , TP.HCM.

Thầy Thanh đã treo thưởng tiền lì xì mệnh giá 10.000, 20.000 đến 500.000 đồng cho các học sinh giải đúng bài tập. Nhưng bài tập giá 500.000 đồng của năm nay tới thời điểm hiện tại vẫn chưa học sinh nào giải được.

Trở lại trường sau kì nghỉ tết, thầy giáo chuẩn bị phong bao lì xì có mệnh giá từ 10.000, 20.000 đồng dán lên bảng. Tất cả học sinh đều được tham gia. Học sinh nào làm bài đúng, trả lời đúng câu hỏi hay tình huống hoá học thực tế vào cuối giờ sẽ quay vòng may mắn ứng với mệnh giá lì xì.

Các em hăng say giải bài để rinh lì xì

NVCC

Khi nghe lì xì, tiết học sinh động hẳn. Học sinh thích nhận lì xì nên hăng hái học bài, giải bài tập. Để tạo thêm hứng thú, thầy dán thêm những tờ tiền 100.000, 200.000, 500.000 để hấp dẫn học sinh hơn.

Học sinh có 3 quyền lựa chọn: làm đúng bài và nhận 10 điểm, làm đúng bài và nhận bao lì xì ứng với mệnh giá 10.000, 20.000 đồng trong vòng quay… Với số tiền lớn hơn, học sinh thử sức với màn chơi “Đừng để tiền rơi”, chụp được tiền sẽ nhận được, không được sẽ mất trắng.

Những phong bao lì xì được dán trên bảng để thu hút học sinh

“Đây thực tế là một hiện tượng vật lý gắn với sự rơi tự do của một vật mà học sinh được học hồi lớp 10. Xác suất bắt kịp tờ tiền rơi là rất khó. Suốt buổi học, không có em nào bốc được tờ 500.000 đồng vì tốc độ rơi tự do của tờ tiền quá nhanh. Đó là chiêu mà tôi góp nhặt được của cô Dư Thị Lan Hương và cải biên một chút cho hấp dẫn. Nhờ đó, kiến thức thẩm thấu dễ dàng. Giáo viên không ép học sinh phải học mà các em vẫn xin được học tiếp để có cơ hội nhận lì xì”, thầy Thanh giải thích.

Thầy còn cho biết thêm: Nhiều học sinh đáng lẽ được lì xì nhưng vẫn “muốn liều ăn nhiều” nên chọn phương án này. Nhưng học sinh nào giỏi môn lý chắc chắn không chọn vậy. Những trò chơi trí tuệ cần sự thông minh, không phải liều là ăn nhiều mà phải vận dụng kiến thức học được để tính toán. “Có vài năm, tôi phải mất 500.000 đồng vì có học sinh bắt được tiền. Lúc đó, học sinh này dùng hết tiền đãi cả lớp uống trà sữa”, thầy Thanh (cười) nói vui.

Thầy giáo trao lì xì cho em học sinh giải đúng bài tập

“Sau kỳ nghỉ tết, tâm trạng của học trò vẫn còn vui chơi nên người thầy phải đạo diễn cho câu chuyện gặp gỡ đầu Xuân, giúp các em bắt nhịp học tập. Những năm đi dạy, tôi luôn tạo ra chương trình lì xì may mắn để tạo niềm vui cho các em, mỗi năm đều có sự đổi mới. Mục đích là đem lại kỉ niệm và cảm xúc tích cực cho ngày đầu xuân. Các em đều hiểu điều đó và thích thú còn xin thầy chơi tiếp những buổi sau. Tôi nghĩ tuổi học trò phải cân bằng giữa việc học và chơi. Phải chơi cho chất, học cho hay để xứng đáng là học trò 4.0. Tôi cũng chịu quẩy với trò lắm nên cải biến và tăng dần độ khó hàng năm, nghĩ ra nhiều chiêu để học sinh yêu thích môn học giúp các em phát huy tính sáng tạo, lớp học luôn hạnh phúc. Nhìn các em vui và hăng say học tập, tôi cũng hạnh phúc với nghề gieo chữ trồng người mà mình chọn, luôn trẻ mãi và thấu hiểu học trò hơn”, thầy cho biết.

Hình ảnh những bao lì xì dán trên bảng để thu hút học sinh làm bài tập của thầy giáo trẻ nhận được nhiều sự hưởng ứng của các học sinh, tạo nên sự rộn ràng lớp học trong mùa xuân mới. Thầy giáo Thanh thường tổ chức các hoạt động gameshow, talkshow với những phần quà bất ngờ để tạo động lực cho học trò hăng say học tập bộ môn hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.