Thầy giáo nghỉ dạy đi xin cơm từ thiện trước bệnh viện: ‘Nhớ trường, nhớ trò’

16/11/2022 09:46 GMT+7

Đi dạy 34 năm ở Q.1, TP.HCM, thầy giáo Trương Kiệt An (53 tuổi) vẫn ở trọ, đến khi bệnh nặng thầy phải nghỉ dạy, xin cơm từ thiện trước cổng bệnh viện và được một cặp vợ chồng bị tai biến cho ở nhờ.

Nhớ tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, thầy Trương Kiệt An thỉnh thoảng gặp vài học sinh cũ đến trước cổng bệnh viện nơi thầy xin cơm từ thiện mỗi ngày. Những ký ức 34 năm trên bục giảng lại ùa về, thầy An nhớ trường, nhớ trò,…

Ký ức ngày của nghề

Tôi gặp thầy An trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp Q.8 trong một buổi trưa nắng rát da thịt. Trong chiếc áo đẫm mồ hôi, thầy An bước từng bước khó nhọc, bên vai vẫn đeo chiếc túi sờn rách mà phụ huynh tặng 6 năm trước đang đứng xếp hàng chờ nhận cơm từ thiện.

Hình ảnh thầy giáo dạy 34 năm đi xin cơm từ thiện khiến nhiều người xót xa
độc lập

Những người buôn bán quanh đây cũng như người đi chăm bệnh, ai cũng biết thầy An là thầy giáo đi dạy 34 năm, nhưng giờ đây cuộc sống lại vô vàn trắc trở.

Nhận hộp cơm, thầy An cúi đầu cảm ơn, tìm bóng cây hiếm hoi bên đường ngồi nghỉ mệt. Ánh mắt đượm buồn, gương mặt thỉnh thoảng nhăn nhó vì những cơn đau nhức buốt từ trong xương, người thầy mái tóc xoăn điểm bạc khẽ thở dài nhìn dòng người qua lại.

Dưới nắng gắt, thầy An nép mình bên hiên nhà đối diện bệnh viện ăn hộp cơm mới được nhóm từ thiện hỗ trợ
độc lập

Mở hộp cơm vừa nhận, thầy An ăn ngon lành, mặc cho mồ hôi ướt sũng cả áo. Chỉ qua nhà thuốc gần bệnh viện, thầy giáo 53 tuổi cho hay, mấy tháng qua, chủ nhà thuốc cũng là phụ huynh cũ đã hỗ trợ thuốc giảm đau, thuốc trị gout mà không lấy tiền.

“Gần đây, trên mạng có một người đăng clip về tôi, vài học sinh cũ quay lại thăm, các em tôi dạy hồi tiểu học, giờ đã hơn 20 tuổi, tôi nhận không ra. Các em đến thăm nói gửi thầy chút tiền mua thuốc mà tôi rơi nước mắt”, thầy An chia sẻ.

Nhắc đến những ký ức về ngày 20.11, thầy An bật khóc
vũ phượng

34 năm đứng trên bục giảng, khao khát, ước mơ và niềm vui mỗi ngày của thầy an là được đến trường gặp đồng nghiệp, các em học sinh, phụ huynh. Ngày nộp đơn nghỉ việc, thầy phải tập vượt qua những cơn đau nhức cùng những nỗi niềm riêng trong cuộc sống và quen với việc không còn đến trường.

Trong ký ức, thầy An nhớ nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam của hơn chục năm về trước. Khi đó, cả 2 con đều đang theo học tại nơi thầy công tác. “Sau khi làm lễ trên trường, về đến nhà trọ, tôi thấy hai con đang cầm hoa và nói: “Chúc mừng ba ngày 20.11, ba vừa là ba của con, vừa là người thầy”. Tôi đã ôm 2 con vào lòng, đó là kỷ niệm không bao giờ tôi quên”, thầy An xúc động kể.

Người thầy hơn 30 năm gắn bó với trường lớp

Thầy An tốt nghiệp Trung học Sư phạm vào năm 1985, năm 1986 dạy ở Trường tiểu học Hòa Bình, năm 1988 chuyển sang Trường Minh Đức, năm 1994 chuyển sang Trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Cả 3 nơi thầy An từng công tác đều là các trường tiểu học nằm ở Q.1, TP.HCM.

Bức ảnh gia đình thầy An để ở đầu giường
độc lập

Năm 1999, thầy An lập gia đình và có 2 con, với đồng lương giáo viên của chồng, lương kế toán của vợ, gia đình nhỏ chỉ vừa đủ trang trải tiền nhà trọ, điện, nước, nuôi các con ăn học.

Năm 2018, thầy An phát hiện bị gout rối loạn chuyển hóa axit uric máu và suy thận giai đoạn 3. Thời gian dài bị đau nhức các khớp, đi lại khó khăn cộng với những khó khăn phát sinh trong cuộc sống nên thầy An viết đơn xin nghỉ dạy vào năm 2020.

Theo lời thầy An, vì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 30 năm nên thầy An không được giải quyết nhận bảo hiểm xã hội một lần. Sớm nhất, năm 56 tuổi, thầy An phải làm giám định mất 61% sức lao động trở lên thì mới được lãnh lương hưu sớm. Nếu không đạt thì phải chờ đến năm 62 tuổi mới được lãnh lương hưu. Do vậy, thầy để vợ và 2 con về Long Thành (Đồng Nai) phụ bán tạp hóa với ông bà ngoại, một mình ở trọ Sài Gòn, tự mình vượt qua đau bệnh.

Sau 20 năm đi dạy, thầy An nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục
độc lập

Trao đổi với Thanh Niên, cô Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) cho biết, thầy Trương Kiệt An công tác ở trường từ năm 1994 đến năm 2020. Khi biết chuyện thầy Trương Kiệt An phải xin cơm từ thiện trước bệnh viện, các giáo viên trong trường đã cùng quyên góp được một số tiền nhỏ gửi đến thầy. Trước đó, trong quá trình công tác tại trường, nhiều đồng nghiệp, Ban giám hiệu trường đã hết lòng hỗ trợ tinh thần, vật chất mỗi khi thầy An gặp khó khăn. Năm 2020, thầy An thôi việc và nhận được trợ cấp là 11,25 tháng lương cơ bản, tương đương khoảng 116 triệu đồng.

“8 tháng trời không có thu nhập, không đóng được tiền nhà trọ, tôi xách đồ ra trước cổng bệnh viện chưa biết đi đâu về đâu thì gặp cô Hường – vợ chồng cô đều bị tai biến cũng đang chờ xin cơm từ thiện nói về cô cho ở nhờ. Từ tháng 7.2022 tới nay, nhờ vậy tôi có chỗ che nắng, mưa, ngày 2 lần sáng, chiều ra xin cơm trước cổng bệnh viện chứ không đến mức chết đói”, thầy An chia sẻ.

Cách đây vài hôm, đại diện Trường tiểu học Trần Hưng Đạo đã đến cổng bệnh viện tìm gặp thầy An gửi thư mời thầy về dự lễ 20.11. Dù biết là về trường cũ sẽ rất vui vì được gặp lại đồng nghiệp, học trò, nhưng người thầy 53 tuổi lại lo rằng sự có mặt của mình làm cho không khí, buổi lễ kém vui…

Đau nhức các khớp, thầy An bước đi khó nhọc
độc lập

“Mình làm gì làm cũng có suy nghĩ của bản thân, mình tự biết điều gì mình có thể làm được, những điều gì mình không làm được. 20.11 năm nay tôi cũng không mong ước điều gì, chỉ xem báo đài chúc mừng ngày này, buồn quá thì nằm khóc một mình, chứ tôi cũng ngại các em học sinh tới lui đến thăm, phiền các em”, thầy trải lòng.

Nói về lý do quyết tâm một mình ở lại TP để thăm khám, không về quê cùng vợ con, thầy giáo cho hay, bản thân đã hứa với gia đình sẽ cố gắng vượt qua bằng nghị lực của chính mình, không để gia đình phải lo lắng, bận tâm.

Cụ bà cho thầy An ở nhờ từ tháng 7.2022 đến nay
độc lập

Mới đây, đại diện công đoàn, Ban giám hiệu Trường tiểu học Trần Hưng Đạo khi biết chuyện của thầy An cũng vận động cán bộ, nhân viên quyên góp, sau đó tìm đến thăm, gửi thầy An chút chi phí thuốc men, điều trị.

Bà Võ Thị Mỹ Hường (69 tuổi, người cho thầy An ở nhờ) cho biết, vợ chồng bà cùng bị tai biến, nhà gần bệnh viện. Sau vài lần xin cơm từ thiện, bà gặp và biết câu chuyện của thầy An nên cho thầy về ở nhờ.

Nhận thư mời về trường cũ kỷ niệm 20.11, thầy An rất vui nhưng lại lo ngại nhiều điều...
độc lập

“Hai vợ chồng tôi già không làm gì được thì thôi mình chia sẻ với nhau chuyện khó khăn, thấy thầy An một thân một mình ở đây, không vợ, không con nên tôi cho ở nhờ”, bà nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.