Thầy giáo mù nâng đỡ trẻ khiếm thị

02/12/2021 08:00 GMT+7

Sớm bị mù, nhưng thầy giáo Đặng Ngọc Duy đã tìm cách vươn lên trở thành ông chủ mái ấm tình thương và cưu mang những em nhỏ đồng cảnh ngộ.

Bước chậm rãi từ bên trong lớp học, thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy (45 tuổi, ở P.Phước Hòa, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) nắm chặt tay tôi, kéo lại góc nhà để ngồi. Người thầy giáo mù ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục Hướng Dương Việt nở nụ cười tươi trước khi bắt đầu câu chuyện đời mình.

Đặng Ngọc Duy sinh ra và lớn lên ở TP.Tam Kỳ, tuổi thơ không trọn vẹn như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi đang học lớp 6, một tai nạn khiến anh mù đôi mắt và cụt mấy ngón tay, phải bỏ học giữa chừng. Năm 1992, khi Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.Đà Nẵng) thành lập, Duy được gia đình gửi ra học chữ nổi Braille, sau đó anh học dần lên cấp 3. Tốt nghiệp phổ thông, anh Đặng Ngọc Duy thi đậu vào Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quảng Nam. Ra trường năm 2009, Duy thành lập Mái ấm Hướng Dương đưa nhiều trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam về học văn hóa miễn phí.

Anh Đặng Ngọc Duy dạy chữ cho các em tại trung tâm

ĐỨC TÀI

“Khi còn đi học, tôi đã có một ước mơ là thành lập trung tâm và cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. May mắn thay, ra trường được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cùng với số tiền tích góp được khi phát hành tập thơ Sắc màu âm thanh, tôi đã thực hiện được ước mơ đó”, anh Duy nói.

Khi mới thành lập, Mái ấm Hướng Dương tổ chức nuôi dạy 16 trẻ em với nhiều dị tật khác nhau như khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ… Để có thể duy trì cơ sở dạy học, anh Duy tìm kiếm và xin tài trợ từ các nhà hảo tâm. Năm 2018, Mái ấm Hướng Dương được đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục Hướng Dương Việt, đến nay đang cưu mang gần 50 trẻ em. Mỗi em là một phận đời cơ cực khác nhau.

“Nhờ có sự hỗ trợ từ nhà nước và các nhà hảo tâm, trung tâm được xây dựng khang trang hơn, đầy đủ trang thiết bị để có thể nuôi dạy các em một cách tốt nhất”, anh Duy tâm sự.

Dưới mái ấm đầy ắp tình người này, các em khiếm khuyết được học văn hóa, kỹ năng sống và cả âm nhạc. Những em khuyết tật nặng còn được hỗ trợ phục hồi, chăm sóc đặc biệt. “Các em đều là trẻ khuyết tật nên việc nuôi dạy vô cùng khó khăn, đòi hỏi chúng tôi phải kiên trì. Trong quá trình giảng dạy còn phải tìm hiểu, nắm bắt tâm lý các em”, thầy giáo mù nói. Em Lưu Thị Khánh Uyên (10 tuổi, xã Tam Thái, H.Phú Ninh) bị mù bẩm sinh, từ khi được nhận vào trung tâm đã dần tìm được niềm vui, để rồi giờ đây xem trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình. “Ở đây, em có rất nhiều bạn bè, lại được thầy cô dạy chữ, dạy chơi đàn khiến em rất vui. Em mong muốn sau này sẽ trở thành một nhạc công để có thể biểu diễn ở nhiều chương trình âm nhạc”, Uyên hồn nhiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.