ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam:

Thấy gì qua thành tích của thể thao Việt Nam ở ASIAD từ trước đến nay ?

14/09/2023 00:53 GMT+7

Nỗ lực của các VĐV mang về cho thể thao VN những tấm HCV quý giá ở các kỳ ASIAD nhưng vẫn chưa tương xứng với nền thể thao đầy tiềm năng, đứng tốp đầu SEA Games trong 20 năm qua.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1982 tại New Delhi (Ấn Độ), thể thao VN đánh dấu sự trở lại đấu trường ASIAD với tấm HCĐ của xạ thủ Nguyễn Quốc Cường ở môn bắn súng. Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao thuộc Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh cho biết trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt, nhất là khâu chuẩn bị lực lượng nhưng thể thao VN cũng cho thấy chuyển động tích cực trong thời kỳ mới.

Thấy gì qua thành tích của thể thao Việt Nam ở ASIAD từ trước đến nay ? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT)

Thấy gì qua thành tích của thể thao Việt Nam ở ASIAD từ trước đến nay ? - Ảnh 1.

Dương Thúy Vi từng giành HCV hiếm hoi cho VN tại ASIAD năm 2014

Giang Lao

Vắng mặt ở ASIAD 1986, thể thao VN quay lại vào ASIAD 1990 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với hơn 100 VĐV, thi đấu 13 môn nhưng không đoạt huy chương. 4 năm sau tại ASIAD Hiroshima (Nhật Bản), đoàn thể thao VN tham dự với 84 VĐV và xuất sắc đoạt tấm HCV lịch sử do công võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ, đồng thời có 2 HCB của Phạm Hồng Hà, Trần Văn Thông ở môn karate. Tại ASIAD 1998 ở Thái Lan, đoàn thể thao VN tiếp tục bảo vệ 1 HCV taekwondo do công võ sĩ Hồ Nhất Thống, đồng thời có thêm 5 HCB các môn karate, cầu mây, wushu.

ASIAD Busan 2002 (Hàn Quốc) ghi dấu son của môn karate khi đoạt 2 HCV của Vũ Kim Anh và Nguyễn Trọng Bảo Ngọc. "Tôi còn nhớ trước kỳ ASIAD này đã xảy ra tranh cãi ở môn karate trong việc lựa chọn VĐV thi đấu, kết quả là karate thắng lớn với 2 HCV, đánh dấu bước phát triển mới của môn thể thao Olympic này", ông Nguyễn Hồng Minh nói. Đây cũng là kỳ ASIAD thành công vượt bậc của thể thao VN, bởi ngoài 2 HCV karate còn có thêm 2 HCV đến từ môn thể hình của Lý Đức và billiards của Trần Đình Hòa.

Thấy gì qua thành tích của thể thao Việt Nam ở ASIAD từ trước đến nay ? - Ảnh 3.

Bùi Thị Thu Thảo - HCV ASIAD năm 2018

Tại ASIAD Doha (Qatar) năm 2006, dấu ấn mà đoàn thể thao VN là 2 HCV lịch sử ở môn cầu mây cùng HCV karate của Vũ Thị Nguyệt Ánh. 4 năm sau tại Quảng Châu (Trung Quốc), võ sĩ karate Lê Bích Phương cứu cho đoàn thể thao VN khỏi kỳ đại hội trắng tay. Tình cảnh tương tự cho thể thao VN ở ASIAD Incheon 2014 (Hàn Quốc) khi chỉ có 1 HCV do công võ sĩ wushu Dương Thúy Vi.

ASIAD 2018 tại Indonesia đánh dấu bước chuyển mình của thể thao VN với thành tích lịch sử ở môn điền khi lần đầu đoạt 2 HCV do công Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) và Quách Thị Lan (400 m rào). Ngoài ra còn có 2 HCV môn pencak silat và 1 HCV quý giá ở môn đua thuyền. "Đây là kỳ ASIAD cho thấy sự tiến bộ của thể thao VN ở các môn trong hệ thống Olympic, đặc biệt là dấu ấn ở môn thể thao nữ hoàng điền kinh", ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Vì sao chưa vươn lên ở đấu trường ASIAD ?

Theo ông Nguyễn Hồng Minh: "Việc giành chiến thắng ở SEA Games dường như không thúc đẩy được gì cho việc đạt thành tích cao ở ASIAD. Vậy nguyên nhân là đâu? Tôi đã tổng hợp, phân tích và thấy rằng trong chiến lược phát triển thể thao VN có vấn đề. Vấn đề đầu tiên là trong chiến lược đã bàn thảo nhiều trong những năm 2000 đến 2010, mục tiêu số 1 trong chiến lược là phải luôn luôn giữ vững tốp 3 SEA Games, rồi sau đó mới nói đến lựa chọn một số môn tham gia vào ASIAD, Olympic. 

Trong thời gian dài như thế, chúng ta chỉ chú trọng đấu trường khu vực trong khi đấu trường ASIAD chưa được đầu tư đúng mức. Một trong những vị lãnh đạo cao cấp nhất ngành thể thao VN nói với tôi rằng: Nói gì thì nói, nếu SEA Games mà thất bại thì không thể chấp nhận được. Nếu không ở tốp 3 thì… chết. Và cho đến gần đây nhất ở SEA Games 32, các nhà quản lý thể thao VN vẫn phát biểu rằng đấu trường SEA Games là trọng tâm. Một xác định chiến lược như thế dẫn đến việc đầu tư từ tiền bạc, công sức, mua sắm trang thiết bị, dinh dưỡng, tập huấn, đào đạo dồn hầu hết cho SEA Games nên không còn đủ cho đầu tư ASIAD. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính làm cho thể thao VN không có được vị trí tương xứng ở Á vận hội".

Ngoài tốp 15 châu Á

Thống kê thành tích của thể thao VN qua các kỳ ASIAD cho thấy vẫn còn "khiêm tốn" khi chúng ta chỉ 1 lần xếp hạng 15 toàn đoàn vào năm 2002, còn lại nằm ngoài tốp 15. Tổng số huy chương mà đoàn thể thao VN đoạt được kể từ năm 1982 là 15 HCV, 70 HCB, 85 HCĐ. Trong khi đó, Thái Lan liên tục nằm trong tốp 10 ASIAD với số HCV thường cao hơn gấp đôi so với VN.

Một thực tế của thể thao VN là hiếm có môn thể thao nào được đầu tư dài hạn cho các mục tiêu cụ thể. Hễ đến gần các kỳ đại hội, một số đội tuyển mới được đi tập huấn. Những chuyến đi như thế mang tính chất "đổi gió" là chính chứ khó tạo bước đột phá về chuyên môn. "Thể thao phải là sự đầu tư liên tục, có chiến lược rõ ràng mới mong gặt hái thành tích. Với cách làm như chúng ta hiện nay là chưa phù hợp. Tôi muốn phân tích, nói những điều tâm huyết với mong muốn các nhà quản lý thể thao VN tìm hiểu, lắng nghe để có hướng đầu tư đúng đắn. Không nên coi ngôi nhất, nhì SEA Games là niềm vinh quang bất tận mà bỏ quên đấu trường lớn hơn là ASIAD, Olympic. Hãy đặt dấu hỏi vì sao Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia xếp sau chúng ta ở SEA Games nhưng thường đạt thành tích tốt hơn ở ASIAD, Olympic", ông Nguyễn Hồng Minh bày tỏ.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.