Thay đổi CCCD, người lao động có 2 mã số BHXH thì làm sao?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
08/09/2023 09:24 GMT+7

'Trước đây tôi tham gia BHXH bắt buộc bằng số CMND. Sau đó đổi thẻ CMND sang CCCD, tôi cũng rời công ty chuyển sang làm tự do và dùng CCCD mua BHYT hộ gia đình. Khi muốn rút BHXH 1 lần, đến cơ quan BHXH làm thủ tục thì được thông báo là tôi có 2 mã số BHXH và cần gộp sổ. Như vậy có đúng không?'.

Thắc mắc nêu trên về việc gộp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động có 2 mã số BHXH của anh Nguyễn Hoàng Phúc (TP.HCM), bạn đọc Báo Thanh Niên.

Luật sư tư vấn

Luật sư Dương Thị Cẩm Chơn (Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp. Mã số này dùng để ghi trên sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo quy định hiện nay, một cá nhân tham gia chỉ được cấp duy nhất một mã số BHXH. Do đó, khi người lao động sở hữu 2 mã số BHXH, cần phải gộp sổ BHXH.

Đăng ký mới BHXH bằng CCCD, người lao động có 2 số bảo hiểm thì làm sao? - Ảnh 2.

Người lao động có 2 sổ BHXH trở lên thì phải làm thủ tục gộp sổ

NGUYỄN ANH

Theo luật sư Dương Thị Cẩm Chơn, việc sở hữu 2 sổ BHXH không ảnh hưởng đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, BHXH 1 lần do mức BHXH được hưởng dựa trên mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

Cụ thể, thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi ngừng đóng. Trường hợp đóng không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng.

Tuy nhiên, người lao động cần tiến hành thủ tục gộp sổ BHXH để ghi nhận chính xác thời gian và mức bảo hiểm đã đóng.

Hồ sơ, thủ tục gộp sổ BHXH

Hồ sơ gộp sổ BHXH gồm: tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (theo mẫu TK1-TS); các sổ BHXH đề nghị gộp.

Về thủ tục gộp sổ BHXH, người lao động nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động nơi mình đang làm việc hoặc nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi thường trú. Nếu người lao động nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp cho cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH.

Hình thức nộp có thể bằng bưu điện; lập hồ sơ điện tử lên Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN hoặc qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Về giải quyết hồ sơ, nếu thời gian đóng BHXH trên các sổ không trùng nhau thì gộp quá trình đóng BHXH của các sổ BHXH. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia sớm nhất nhưng chưa hưởng trợ cấp 1 lần, trợ cấp thất nghiệp; thu hồi và hủy các sổ cấp trùng.

Nếu thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trùng nhau, người lao động được hoàn trả số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi.

Thời gian gộp sổ tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Nếu phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị làm việc, thời gian tối đa là 45 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.