Thầy

Khi câu chuyện bún chửi Hà Nội lên CNN, người Việt tranh cãi quyết liệt về lẽ hay dở. Vậy nếu chuyện chửi thầy, đánh thầy lên CNN, người Việt liệu sẽ tranh cãi điều gì?

Chuyện Đà Nẵng, một phụ huynh đã xông vào trường giờ tan học, tát cô giáo trước mặt con mình và học trò. Chuyện Thanh Chương (Nghệ An), một học trò lớp 8 chém thầy trọng thương. Chuyện Hương Khê (Hà Tĩnh), một thầy giáo xông vào trạm y tế đánh bác sĩ bị thương. Rồi là những chuyện từng nghe chưa lâu như chuyện thầy trò đánh nhau ở Bình Định, chuyện bác sĩ đấm vỡ xương mồm bệnh nhân…
Ở VN, tự xa xưa đến giờ, một vài nghề được quý trọng, và người làm nghề được trân trọng gọi là thầy. Thứ nhất là nghề dạy học. Truyền thống Việt vẫn xếp vai thầy lên hàng cha mẹ. Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy. Thứ hai là nghề chữa bệnh. Bác sĩ cũng được gọi là thầy, thầy thuốc. Cái chữ “thầy” của nghề y nặng trĩu trên vai những người hành nghề chữa bệnh.
Những mối quan hệ được thiêng liêng hóa ấy, xét cho cùng, không chỉ là cách tôn vinh thầy giáo hay thầy thuốc, mà còn là sự tôn vinh một nét đẹp hiếm có trong lễ nghĩa ứng xử của dân tộc Việt. Một dân tộc trọng ân tình, hiếu nghĩa. Tôi trọng thầy giáo, tri ân công dạy dỗ tôi thành người. Tôi trọng thầy thuốc, tri ân sự tận tụy chăm sóc bệnh tật cho tôi, ở bên cạnh tôi trong cuộc chiến chưa bao giờ là dễ dàng trước bệnh tật và cái chết. Ở VN, thầy giáo có ngày thầy giáo, thầy thuốc có ngày thầy thuốc. Sự trọng vọng đó như thể một ân tình của đất Việt dành cho những người làm thầy.
Trọng thầy là một trong những giá trị nền nã, tốt đẹp, đằm thắm mà dân tộc mình có được từ ngàn đời nay. Thầy được trọng, nên phải xứng đáng với sự trọng vọng đó. Vậy nên cái lẽ “lương sư, hưng quốc” (thầy giáo tốt thì đất nước hưng thịnh), “lương y như từ mẫu” (thầy thuốc tốt thì như thể là cha mẹ) vẫn luôn là một kỳ vọng tốt đẹp.
Vậy vì lẽ gì mà giờ đây nước mình lại không ít chuyện chửi thầy,đánh thầy?
Là vì cái lẽ thầy giáo chửi học trò, bác sĩ chửi bệnh nhân nên học trò chửi lại, phụ huynh chửi lại, bệnh nhân chửi lại. Cái lẽ sao mà đơn giản quá: chửi qua thì chửi lại.
Là vì cái lẽ thầy giáo đánh học trò, bác sĩ đánh bệnh nhân. Đánh qua thì đánh lại - cái lẽ sao mà đơn giản quá. Nghe nói có bệnh viện đã phải tổ chức cho bác sĩ và y tá học võ để nâng cao sức khỏe và tự vệ rồi.
Với cái lẽ đơn giản ấy, tất cả chúng ta, mỗi người, rồi sẽ phải đánh nhau với ai đó vì cái khả năng bị ai đó đánh chửi là gần như khó thể tránh khỏi. Chỉ cần một điều nhỏ không hài lòng thôi, là lao vào đánh chửi nhau. Chẳng lẽ, một dân tộc vốn lấy cái trọng tình trọng nghĩa làm bản sắc rồi sẽ phải chuyển sang trọng nắm đấm và võ mồm để khẳng định bản sắc mới?
Đừng tìm bất cứ cái lý lẽ nào để biện minh cho bất cứ hình thức sử dụng võ mồm và nắm đấm nào để giải quyết vấn đề trong một xã hội văn minh. Nhất là trong những mối quan hệ thiêng liêng như quan hệ thầy - trò, quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân.
Nếu không, cái thực tế đánh thầy, chửi thầy sẽ chẳng mấy chốc trở thành cái tương lai đau đớn: tất cả chúng ta sẽ đánh nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.