'Thật vô lý khi dân ta nghèo mà phải dùng thuốc giá cao'

25/03/2016 18:35 GMT+7

"Một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về VN chỉ khoảng 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh đang phải mua với giá 14 triệu đồng", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

"Một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về VN chỉ khoảng 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh đang phải mua với giá 14 triệu đồng", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói. 

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật dược (sửa đổi) sáng nay 25.3, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, giá một số mặt hàng thuốc vẫn còn cao, nguyên nhân là do độc quyền phân phối, phải qua nhiều tầng lớp trung gian cũng như tiêu cực trong kê đơn.
“Tôi đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian. Nếu như chúng ta hạn chế được tầng lớp trung gian này sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa, gần 2.000 công ty phân phối một loại thuốc. Nếu như từ lúc nhập khẩu hay sản xuất ra đến tay người bệnh mà trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian, chắc chắn chi phí sẽ đội lên”, đại biểu Lan nói.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), mặc dù trong luật không có quy định nào về việc độc quyền nhập khẩu thuốc, nhưng trong thực tế lại có chuyện hạn chế về cấp phép. Tình trạng này dẫn đến khan hiếm thuốc và qua nhiều tầng lớp trung gian nên đã đẩy giá thuốc lên. “Một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về VN chỉ khoảng 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng. Thật vô lý khi người dân ta còn nghèo mà phải dùng thuốc giá cao. Tôi đề nghị rà soát quy định ở trong luật, bổ sung, làm thế nào đó để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc”, ông Cương phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) góp ý, việc công bố giá thuốc trúng thầu đang có điểm bất cập kể cả dự thảo và luật Đấu thầu. Dự thảo luật Dược quy định giao cho Bộ Y tế công bố theo tư liệu mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cung cấp, còn luật Đấu thầu quy định, khi đấu xong là phải chấp hành dù đúng hay sai. "Nhưng trên thực tế đang có tình trạng giữa hai địa phương gần nhau, cùng một loại thuốc, cùng chất lượng nhưng giá cả lại khác nhau. Về lý rất đúng nhưng tình rất gian. Tức là mọi sự đúng quy trình, mọi sự đúng pháp luật, chỉ có tiền là Nhà nước mất. Trong luật Đấu thầu chúng tôi kiểm tra, cũng không có điều nào quy định sau khi đấu thầu xong kết quả khác nhau thì xử lý như thế nào. Cho nên chúng tôi đề nghị trong luật này cần quy định, nếu giá thuốc chênh lệch bất hợp lý so với giá thuốc tối đa được công bố bởi Bộ Y tế, thì báo cáo Chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta không thể đầu hàng chuyện đấy được, bây giờ mất tiền rõ ràng như vậy mà đầu hàng vì quy định pháp luật thì chúng tôi thấy không hợp lý”, đại biểu Tiên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.