Thất nghiệp là… đi làm mạng xã hội?: Dấn thân rồi vỡ mộng

Phạm Hữu
Phạm Hữu
23/07/2023 09:31 GMT+7

Khi thất nghiệp, thay vì tìm việc mới đúng chuyên ngành thì không ít bạn trẻ chọn rẽ hướng làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, trở thành những TikToker, Facebooker... Thế nhưng, đó có phải là lựa chọn đúng và hướng đi vững chắc trong tương lai?

LÀM SÁNG TẠO NỘI DUNG CÓ DỄ ?

Nói về xu hướng làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hiện nay, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông, Trường ĐH Văn Lang, cho biết đây là xu hướng ngày càng thu hút nhiều người trẻ. Nhìn rộng hơn, không chỉ VN mà ở các nước, giới trẻ cũng đang "đổ xô" trở thành những nhà sáng tạo nội dung.

Ngày nay có nhiều người trẻ chọn làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội

Phạm Hữu

Tuy nhiên, theo anh Tú, không phải người sáng tạo nội dung nào cũng được công chúng đón nhận rộng rãi. Hiện nay, nhiều người trẻ chưa định hình được sáng tạo nội dung là mục tiêu công việc chính hay chỉ là dự án phụ. Bởi làm sáng tạo cần nhiều yếu tố: chiến lược cụ thể, hoạch định tài chính, thời gian… để đảm bảo làm sao cân bằng giữa mục tiêu thỏa sức sáng tạo và các áp lực cuộc sống.

Ông Đoàn Thái Kiên, Giám đốc Digityze Asia và Reputyze Asia chuyên về marketing - truyền thông, cho rằng trong bất cứ thời nào, sáng tạo là đòn bẩy thúc đẩy xã hội phát triển, nếu không sáng tạo thì xã hội sẽ thụt lùi. Thời nay, đa số giới trẻ yêu thích sáng tạo là điều đáng mừng, sáng tạo nội dung số cũng vậy. Tuy nhiên, việc giới trẻ thích sáng tạo nội dung như thế nào mới là điều đáng lưu tâm.

Ngoài những điều tích cực của công việc sáng tạo nội dung mang lại thì vẫn còn đó nhiều hạn chế. Dễ thấy nhất là nhiều bạn trẻ đang "ký sinh" quá nhiều thời gian trên mạng xã hội mà bỏ lỡ việc học, trau dồi kỹ năng sống từ thực tế. Từ đó, mất đi lỗ hổng kiến thức trong việc sáng tạo, mất đi độ sâu sắc, thiếu kinh nghiệm và hời hợt trong việc chia sẻ nội dung.

Thạc sĩ tâm lý TRẦN THỊ THANH TRÀ, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM

Có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề truyền thông, ông Kiên cho biết sáng tạo nội dung thật sự không đơn giản, nhưng nhiều người trẻ vẫn cho nó là dễ dàng. "Bạn trẻ nghĩ rằng chỉ cần biết viết, quay, thiết kế, sử dụng mạng xã hội… là làm được, nhưng thực tế không như vậy", ông nhìn nhận.

Theo ông, một nội dung sáng tạo cần có quá trình, từ suy nghĩ, xem xét, cách tiếp cận, đến làm nội dung theo ý tưởng, chiến lược mới ra được sản phẩm. Đa phần người trẻ chỉ thấy được phần nổi từ các sản phẩm đã thành hình chứ ít khi thấy quá trình của sự sáng tạo đó.

Cũng qua quan sát, ông Kiên nhận thấy không ít bạn trẻ sau một thời gian dấn thân đã vỡ mộng, vì không phải ai cũng kiếm được tiền. Do đó, đây được xem là ngành có sự đào thải cao và rất ít người thành công.

Theo đuổi vì danh vọng, dễ kiếm tiền

Ông Đoàn Thái Kiên cho rằng ngày nay nhiều bạn trẻ thích dấn thân vào sáng tạo nội dung vì danh vọng, sự nổi tiếng, tiền bạc và sự hào nhoáng của nó mang lại. Nó tạo thành hội chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ) kéo theo hàng loạt người trẻ bắt chước làm theo một cách quán tính.

Ở góc độ nào đó, thạc sĩ Lê Anh Tú cho rằng bạn trẻ bỏ việc đi làm sáng tạo nội dung khi chưa có nội lực để đi đường dài sẽ bị đào thải rất nhanh.

"Trước sau gì những lao động này cũng sẽ bị trả ngược về những ngành nghề cũ hoặc khác. Cuộc sống kéo theo sẽ rất khó khăn, năng lực chuyên môn, kinh tế bị gián đoạn do không đi đúng hướng từ đầu", ông Kiên nhìn nhận.

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng: "Ngoài những điều tích cực mà công việc sáng tạo nội dung mang lại thì vẫn còn đó nhiều hạn chế. Dễ thấy nhất là nhiều bạn trẻ đang "ký sinh" quá nhiều thời gian trên mạng xã hội mà bỏ lỡ việc học, trau dồi kỹ năng sống từ thực tế. Từ đó, mất đi lỗ hổng kiến thức trong việc sáng tạo, mất đi độ sâu sắc, thiếu kinh nghiệm và hời hợt trong việc chia sẻ nội dung".

Theo thạc sĩ Trà, những người trẻ xem nhẹ chuyện thất nghiệp, cứ có suy nghĩ nếu thất nghiệp sẽ chuyển sang làm sáng tạo nội dung thì thật sự khó vững chắc, trừ khi có kinh tế ổn.

"Khi không có gì trong tay, bạn khó có thể theo đuổi đến cùng. Nếu may mắn, ở một thời điểm nào đó, bạn có thể thành "ngôi sao" nhờ mạng xã hội, nhưng muốn giữ may mắn đó ở lại lâu dài cũng cần có nền tảng, sự cầu thị, đạo đức mới có thể phát triển bản thân xa hơn", thạc sĩ Trà nói.

Không nên "ảo tưởng sức mạnh"

Nếu một khi bạn trẻ chọn rẽ hướng làm sáng tạo nội dung, thì theo ông Đoàn Thái Kiên không nhất thiết phải bỏ việc, bỏ học để làm việc này bằng mọi giá. Nhưng nếu đã chọn thì ít nhất cần giữ lửa đam mê và định hướng đúng con đường mình đi. Bạn trẻ nên tìm hiểu những dữ liệu, dữ kiện, thông tin về sáng tạo nội dung xem bản thân có phù hợp hay không trước khi dấn thân vào.

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà khuyên bạn trẻ cần định vị bản thân trước khi lựa chọn con đường làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Khuyến khích những sản phẩm đem lại sự tích cực cho xã hội và tiến bộ bản thân, cộng đồng. Ngoài ra, cũng cần có trách nhiệm trong lời nói, hành động, mục đích của mình.

Còn thạc sĩ Lê Anh Tú thì cho rằng: "Nắm vững khả năng quản lý thời gian, tài chính và quản trị dự án sẽ rất cần thiết cho người muốn "xây kênh" bền vững. Ngoài ra cũng cần hiểu rõ chuyên môn trong lĩnh vực mà mình muốn tạo nội dung, từ đó tìm ra những hướng được nhiều người quan tâm".

Cũng theo anh Tú, nổi tiếng sớm không sai nếu bạn trẻ có tài năng thực sự. Song cũng cần khiêm tốn học hỏi để phát triển dài lâu, không nên "ảo tưởng sức mạnh" trên mạng xã hội. Đừng nói sai sự thật, tạo tin giả… khiến thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội sẽ nhanh chóng bị tổn hại, mất hết uy tín. Do đó cần rất nhiều sự cẩn trọng trong thời buổi nhiễu thông tin như hiện nay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.