Thắt lòng cha chở con gái và hũ tro cốt vợ mất vì Covid-19 về quê

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
13/10/2021 07:36 GMT+7

Mạng xã hội chia sẻ câu chuyện người cha chở con gái và hũ tro cốt người vợ mất vì Covid-19 về quê An Giang vì thất nghiệp nhiều tháng. Đứa bé vẫn hồn nhiên hồ hởi vì sắp được về quê khiến nhiều người rơi nước mắt.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, người chồng - người cha trong đoạn clip là anh Lê Văn Hữu (ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia, H.Tri Tôn, An Giang). Anh Hữu cùng vợ lên Bình Dương làm công nhân từ năm 2016, hai vợ chồng tằn tiện gom góp tiền gửi về nuôi con ở quê cùng ông bà.

Ngày 12.10: Thông báo 93 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Mượn xe đưa con về quê

Anh Hữu thuê trọ tại khu dân cư Thuận Giao (H.Thuận An, Bình Dương) với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng anh cùng làm công nhân tại nhà máy, có hai người con gồm con trai lớn 8 tuổi hiện đang ở quê cùng ông bà, con gái 3 tuổi ở trọ tại Bình Dương cùng ba mẹ. Cũng như nhiều người lao động khác, anh Hữu và vợ thất nghiệp mấy tháng nay. Ngày 22.7, chị H.N.T (vợ anh Hữu) cảm thấy mệt nên anh đưa đi truyền nước, khi test nhanh cho kết quả dương tính Covid-19. 4 ngày sau, chị mất tại phòng trọ. May mắn anh Hữu và con gái không bị lây nhiễm Covid-19.

Hai cha con anh Hữu đã ăn mì gói nhiều tháng nay

Anh Hữu kể lúc lo hậu sự cho vợ, trong túi chỉ có 5 triệu đồng, hàng xóm thương hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, góp mỗi người một ít phụ giúp. Đưa hũ cốt của vợ về phòng trọ cũng là lúc anh hết tiền đóng tiền trọ, không thể tiếp tục trụ lại. Từ ngày 1.10, thấy lượng người từ các tỉnh miền Nam về quê bằng xe máy tăng dần, sợ sẽ lại kẹt nên anh Hữu quyết định mượn xe máy chở con gái về quê.

Hình ảnh người cha chở con gái và hũ tro cốt của vợ về quê khiến nhiều người thắt lòng

NVCC

Hành trang của hai cha con mang về chỉ có vài đồ dùng thiết yếu, còn lại anh Hữu để lại hết cho người em họ. Hũ tro cốt vợ được anh để trước giỏ xe, cẩn thận quấn băng dính kỹ càng.

“Chiếc xe máy này là tôi mượn của họ hàng, xe máy của hai vợ chồng đã cầm cố lấy 7 triệu đồng cách đây mấy tháng để đóng tiền phòng trọ. Giờ tiền chuộc xe lên cao quá rồi, trong khi tiền ăn còn không có, về quê nên chắc bỏ xe luôn”, anh tâm sự.

Anh Hữu Tài, hàng xóm của anh Hữu và cũng là người quay đoạn clip đưa lên mạng xã hội, chia sẻ nhìn bé gái còn nhỏ, vô tư chưa biết được sự mất mát, hồ hởi chào tạm biệt mọi người vì sắp được về quê, mà nhiều người không cầm được nước mắt. “Hoàn cảnh tội lắm, trước lúc về con bé hay qua nhà mình, mình cho bánh, sữa, dễ thương lắm”, anh kể lại.

Covid-19 sáng 13.10: Cả nước 846.230 ca nhiễm, 786.095 ca khỏi | Đường sắt mở bán vé tàu Tết

Phía trước nhiều gập ghềnh

Đoạn clip nhanh chóng được cư dân mạng chia sẻ vì sự đau xót do dịch Covid-19 đã cướp đi quá nhiều thứ. Về quê, trong túi của anh Hữu chỉ còn 400.000 đồng. Bình thường về 3 người, anh Hữu lái xe, vợ ngồi sau ôm con. Nhưng nay chỉ còn 2 cha con, anh để con ngồi phía trước, một tay lái xe, một tay phòng hờ khi con ngủ gật thì giữ bé. “Đi 3 về 2”, đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế...

Để đảm bảo an toàn, anh Hữu không dám chạy nhanh như bình thường nên mất 10 tiếng đồng hồ mới về tới quê. Sau khi ở lại một đêm tại chốt kiểm soát vào tỉnh An Giang, anh Hữu được cơ quan chức năng cho về cách ly tại nhà.

Hình ảnh người cha chở con gái và hũ tro cốt của vợ về quê khiến nhiều người thắt lòng

Cắt từ clip

Hiện anh Hữu cùng con gái đang cách ly tại nhà của người quen, ba mẹ đến đưa hũ cốt của vợ anh về thờ cúng. Con trai 8 tuổi ở nhà thay ba hương khói cho mẹ hằng ngày. Chuyến hành trình dài khiến chiếc xe vốn đã cũ nay hư hỏng hoàn toàn phần lốp. “Dọc đường cũng được bà con hỗ trợ sữa, bánh cho con, nước uống và xăng nên tôi cảm động lắm”, anh nói.

Chúng tôi hỏi anh Hữu có ý định lên lại thành phố khi hết dịch không, anh chỉ thở dài nói: “Chắc cũng phải ít nhất 3 năm nữa, nuôi con, lo mọi chuyện ổn thỏa xong xuôi mới nghĩ đến chuyện đi làm xa kiếm tiền. Giờ tiền xây mộ cho vợ tôi còn không có...”.

Chị Lê Thị Vàng, 30 tuổi, em gái của anh Hữu, chia sẻ gia đình có 3 anh em, anh Hữu là anh lớn, chị là em út, còn một người nữa đang kẹt lại Bình Dương. Chị Vàng kể ba chị chạy xe ôm, mẹ ở nhà nội trợ, cả 3 anh em đều học đến lớp 6 thì nghỉ học, đủ tuổi thì đi làm công nhân trang trải cuộc sống. “Mình lấy chồng ở Kiên Giang, cũng ở trong khu phong tỏa mùa dịch nên dù biết anh trai đang khó khăn mà không giúp được gì”, chị nghẹn ngào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.