Thắp lại hy vọng cho bóng đá TP.HCM

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
12/08/2022 04:15 GMT+7

Là nơi đi đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, người dân rất mê bóng đá, nhưng các đại diện của TP.HCM tại sân chơi cao nhất bóng đá VN lại đang thiếu bản sắc, đứng lẹt đẹt cuối bảng xếp hạng V-League, nên rất cần một chỗ dựa tinh thần và một định hướng đúng đắn.

Bởi bóng đá không đơn thuần chỉ là trò chơi…

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975 đến thập niên 1990, bóng đá TP.HCM tạo dấu ấn đặc biệt. Những cái tên Sở Công nghiệp, Cảng Sài Gòn, Hải quan, Công an TP.HCM... đã sản sinh nhiều tên tuổi lớn. Cùng với những danh thủ một thời vang bóng trước năm 1975 như Lê Đình Thăng, Dương Văn Thà, Tư Lê, Đỗ Cẩu, cố cầu thủ/HLV Phạm Huỳnh Tam Lang… thì những cái tên Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Hồng Phẩm, Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức cũng ghi dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ.

Theo thời gian, bóng đá TP.HCM cũng dần chuyển mình cho thích nghi với thời thế. Nhưng dù xây dựng bóng đá theo cách nào thì những đội bóng như Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn, CLB TP.HCM hay Sài Gòn FC hiện tại cũng chưa thể khiến người hâm mộ thôi hoài niệm về thời hoàng kim trước đây.

Hãy hỏi người hâm mộ rằng, ở đâu trên đất nước này có những đội bóng “như chưa từng” được đá trên sân nhà? Câu trả lời là TP.HCM. Nghe rất nghịch lý nhưng trên khán đài sân Thống Nhất, người hâm mộ đội khách luôn “lấn át” cổ động viên địa phương. Vậy thì đá sân nhà chẳng khác nào đang chơi trên sân khách!

Ở VN, Sông Lam Nghệ An, Hà Nội là những đội bóng có được bản sắc riêng. Trên thế giới thì Barcelona, Bayern Munich, Manchester United, Ajax Amsterdam… giàu mạnh nhờ chính những nhân tố mà họ đào tạo. Bóng đá TP.HCM đang thiếu điều đó, trong khi cơ sở vật chất, sân bãi tạm bợ, “túi tiền” cũng chưa thể gọi là vững vàng… đã khiến người hâm mộ lo lắng hơn là tin tưởng vào tương lai.

Bóng đá giờ đây không chỉ là món ăn tinh thần. Ở nhiều quốc gia, nó được xếp vào lĩnh vực kinh tế thể thao, là nền công nghiệp bóng đá với nguồn thu khổng lồ. Vì vậy, nếu làm thực tâm thì thông qua bóng đá, TP.HCM có thể kích hoạt hiệu quả nhiều hoạt động đi kèm như dịch vụ mua sắm, du lịch, marketing... Nếu không làm được điều đó, quả là đáng tiếc cho TP.HCM khi bóng đá chưa được đặt đúng vị trí của nó.

Thời gian qua, người hâm mộ cảm thấy rất vui khi trên khán đài Sân vận động quốc gia Mỹ Đình có sự hiện diện của những “cổ động viên” đặc biệt như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác đến động viên, khích lệ tinh thần cho các đội tuyển nam - nữ quốc gia. Bằng sự quan tâm trước mắt và cả những gợi mở về lâu dài, thành quả, tương lai các đội tuyển bóng đá nước nhà vì thế cũng trở nên tươi sáng.

Vì vậy, cuộc gặp gỡ mới đây của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo thành phố nhằm chủ động lắng nghe, động viên CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn là động thái có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là đòn bẩy cần thiết để TP.HCM nghĩ đến việc kích hoạt chính sách, đường hướng phát triển bóng đá nơi đây về lâu dài.

Còn trước mắt, cuộc gặp gỡ lần này sẽ tạo động lực tinh thần mạnh mẽ giúp 2 đại diện của bóng đá TP.HCM đi hết chặng đường còn lại ở V-League 2022 với niềm tin lạc quan hơn nhờ sự gửi gắm - quan tâm đúng lúc từ giới lãnh đạo thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.