Tháo 'nút thắt', khơi thông 30 tỉ USD vốn đầu tư công

03/06/2020 07:37 GMT+7

TS Bùi Đức Thụ cho rằng cần phải tháo ngay 2 “nút thắt” lớn nhất là giải phóng mặt bằng và thủ tục.

Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia - TS Bùi Đức Thụ trăn trở khi 10 năm nay khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công vẫn chưa thể giải quyết, vốn năm này dồn sang năm khác, tiền có trong ngân khố mà không thể tiêu được.
“Năm gần đây có khá hơn, song số chuyển nguồn vẫn rất lớn, cộng cả kế hoạch năm 2020 lên tới 30 tỉ USD. Không giải ngân được trong khi vốn phải đi vay, trả lãi cao, nguồn ODA cạn dần. Nghịch lý này thực sự hết sức đáng buồn”, TS Thụ bày tỏ.
Ông Thụ cho rằng cần phải tháo ngay 2 “nút thắt” lớn nhất là giải phóng mặt bằng và thủ tục. Về giải phóng mặt bằng nơi nào không làm được theo phân cấp phải chịu trách nhiệm. Đối với đền bù cần phải giải quyết căn cơ mức giá, không thể áp khung giá thấp như T.Ư, HĐND các địa phương quy định so với giá thị trường dẫn tới người dân bức xúc, khiếu kiện...
Đối với thủ tục lâu nay vẫn nổi tiếng nhiều khâu, nhiêu khê, theo ông Thụ ngay tại TP.Hà Nội, TP.HCM hàng trăm dự án ách tắc chủ yếu do phân cấp, rồi quy trình thiết kế, đấu thầu, hồ sơ... “Cái nào là yếu tố khách quan thì phải tháo gỡ ngay. Rà soát, nắm bắt và lắng nghe từng dự án. Nếu do cơ chế thì cần kiến nghị ngay cấp có thẩm quyền, phải quyết liệt, rốt ráo”, TS Thụ kiến nghị.
Là người từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, theo TS Thụ, quan trọng nhất là phải “nắn” dòng vốn vào các dự án hiệu quả, thủ tục nhanh đi liền với cơ chế minh bạch, công khai... tạo ra sự lan tỏa lớn như các tuyến cao tốc, sân bay Long Thành... “Vốn đầu tư đã được phân cấp từ T.Ư đến các địa phương. Cấp ngành nào khi giao vốn mà không giải ngân được thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thụ đề nghị.
Nhìn khía cạnh rộng hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, cho rằng trong bối cảnh khó khăn sau dịch bắt buộc phải đẩy mạnh đầu tư công để “kích cung” giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế. Song hàng loạt dự án công thua lỗ vừa qua khiến bà cảm thấy thực sự đáng lo ngại.
“Tôi rất buồn, tiền thì có nhưng chậm giải ngân, khi giải ngân rồi thì đội vốn, thua lỗ, kém hiệu quả. Lần này làm quyết liệt, phải minh bạch công khai, đi thẳng vào dự án trong lĩnh vực hạ tầng thiết yếu, giám sát chặt chẽ. Dự án nào không đủ thủ tục, không bố trí, nơi nào không giải ngân được thu hồi vốn, chuyển sang nơi khác”, bà Lan bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.