Tháo nút thắt dòng vốn

13/11/2022 06:24 GMT+7

Đó là việc cấp thiết nhất hỗ trợ các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề thời điểm hiện nay, để họ không rơi vào nghịch lý 'chết trên đống tài sản'.

Dù muốn dù không, đến lúc này ai cũng nhận thấy thị trường đã “phản hồi” rất mạnh mẽ những khó khăn cũng như nguy cơ rủi ro của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Chứng khoán, được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, liên tục sụt giảm và nằm trong top thị trường lao dốc nhất thế giới. Hệ quả là hơn 2 thập niên kể từ ngày thành lập chúng ta mới có được 7 tỉ phú USD, thì chỉ trong tuần qua đã có 2 doanh nhân rớt khỏi bảng xếp hạng người giàu khi tài sản “bốc hơi” hàng tỉ USD nhanh không ai tưởng tượng nổi.

Nhưng “mất” 2 tỉ phú USD chỉ là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn là thị trường lao dốc liên tục khiến nhà đầu tư lo lắng, bán tháo nhiều mã cổ phiếu khiến ngay cả công ty làm ăn tốt cũng vạ lây.

Trong khi đó, vốn tín dụng, như chúng ta chứng kiến, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ chặt room dù lạm phát nằm trong tầm kiểm soát. Thị trường vốn gần như mất thanh khoản khiến nhiều DN có tài sản, có dự án, có hợp đồng nhưng không có dòng tiền để hoạt động. Chưa kể gánh nặng lãi vay, chi phí vận hành đè lên vai... đẩy họ đến nguy cơ “chết trên đống tài sản” bởi sa thải lao động, giải pháp cuối cùng cũng đã được nhiều công ty, tập đoàn lớn áp dụng nhưng vẫn không ăn thua.

Trong tuần vừa rồi, Chính phủ đã có cuộc họp với một số tập đoàn, DN bất động sản lớn ghi nhận những khó khăn của họ. 2 ngày trước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng có văn bản lý giải tình trạng thị trường... Những động thái này cho thấy Chính phủ đã thấu hiểu sự cấp bách của tình hình hiện tại. Thị trường cũng đang kỳ vọng những giải pháp thiết thực sẽ nhanh chóng được áp dụng để hồi sức DN, chặn đà sa thải người lao động có nguy cơ lan rộng.

Và vốn, vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Hiệu quả và nhanh nhất là tín dụng, nên xem xét nới room thêm 1 - 2% trong bối cảnh các kênh huy động khác bị bế tắc. Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định điều hành linh hoạt, thì đây là lúc cần nhất sự linh hoạt để đưa dòng vốn vào đúng nơi, đúng chỗ. Đó là các DN lớn, làm ăn hiệu quả, giải quyết nhiều lao động, có dự án khả thi.

Bên cạnh đó, nên cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu DN riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực để khơi thông lại kênh dẫn vốn này. Những giải pháp này đã được các hiệp hội, các chuyên gia kinh tế đề xuất nhiều lần.

Sức khỏe của các DN hồi phục, thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện. Các kênh dẫn vốn tương hỗ, từ đó vực dậy thanh khoản cho thị trường vốn, góp phần phục hồi kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.