Tháo khẩu trang ra ăn người Sài Gòn bị phạt: Nhiều thắc mắc, lãnh đạo trả lời!

08/04/2020 12:15 GMT+7

Chuyện tháo khẩu trang ngồi ăn ở công viên tại TP.HCM, dù là ngồi một mình cũng bị phạt khiến nhiều người Sài Gòn hiện vẫn đang làm shipper, xe ôm, người lao động bối rối. Vậy giờ họ phải chọn cách chạy về nhà ăn, hay đeo khẩu trang thế nào để không bị phạt?

Để phòng chống dịch Covid-19, nhiều địa phương sau thời gian nhắc nhở đã bắt đầu xử phạt những trường hợp ra nơi công cộng không đeo khẩu trang. Từ chuyện xử phạt này đã có tình huống phát sinh, cụ thể là những người làm công việc suốt ngày chạy ở ngoài đường như shipper, xe ôm, người lao động, kể cả dân công sở,... sẽ phải ăn sáng, trưa ở đâu, nếu  tháo khẩu trang ra ngồi nơi công cộng ăn một mình có bị xử phạt hay không?

Chạy về nhà ăn hay nhịn đói?

Câu chuyện xử phạt không đeo khẩu trang ở trung tâm TP.HCM hôm qua của Thanh Niên nhận được nhiều phản hồi và thắc mắc của bạn đọc. Để làm rõ thêm câu chuyện này, Thanh Niên tiếp tục ghi nhận và đặt câu hỏi với một số lãnh đạo phường, quận để giải đáp thắc mắc cho bạn đọc. 
Ông Nguyễn Ngọc Minh (42 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) làm xe ôm công nghệ được hơn 2 năm. Mỗi ngày, ông đều dậy sớm nấu cơm bỏ vào cà mèn mang theo để đến trưa đang ở đâu thì sẽ lấy ra ăn cho tiện, đỡ mất công chạy về nhà.
Ngày 7.4, nghe đồng nghiệp lan truyền với nhau thông tin ngồi ăn ở nơi công cộng, dù là một mình cũng có thể bị phạt, ông Minh thở dài ngao ngán. Ông nói: "Nhiều khi tới giờ cơm là đang ở tít Q.Tân Phú, Q.12 hoặc những nơi cách nhà vài chục cây số, lại chưa có khách lại nên tôi dựng xe đó kiếm một góc ngồi ăn cơm. Có ai muốn ăn cơm ngoài đường đâu, nhưng nghề này đặc thù vậy rồi. Giờ lỡ mà bị phạt chắc hết luôn tiền công một ngày".

Những người lao động ăn vội bữa trưa bên đường

Ảnh: Độc Lập

Rồi ông bàn bạc với vợ ngày mai khỏi mang cơm theo nữa, nếu chạy ở gần nhà thì ghé về ăn cơm, còn không ông sẽ ráng nhịn để tối về ăn một thể.
Anh An Ninh (shipper) thì chia sẻ, anh ủng hộ việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cơ quan chức năng nhưng đặc thù công việc của anh là chạy suốt ở ngoài đường, khi đói và mệt không biết sẽ phải làm thế nào nếu không được tháo khẩu trang ra để ăn.
"Chẳng lẽ nhận cuốc xe đi Thủ Đức, sau đó đói quá phải chạy xe về nhà ở Tân Phú hay Bình Tân, Hóc Môn để ăn rồi mới đi tiếp hay sao. Tôi nghĩ shipper phải ăn dọc đường đó là lý do chính đáng và cần được thông cảm, miễn sao xung quanh không có ai hoặc đảm bảo khoảng cách 2m là được. Xin hãy thông cảm cho chúng tôi", anh Ninh phân trần.
Tương tự, nhiều độc giả cũng bình luận trên Thanh Niên cũng xót xa khi nghĩ đến những ngành nghề đặc thù phải ở ngoài đường cả ngày trong mùa dịch.
Bạn đọc tên An Nguyên nêu ý kiến: "Phạt cũng là một hình thức nhắc nhở người dân. Tuy nhiên nên xem xét thêm một số trường hợp, ví dụ như lao động công trường, các anh, các chú chạy xe ôm, vì họ đâu có môi trường công sở, mà công việc là xuyên suốt bên ngoài".

Nhóm công nhân nghỉ mệt ở công viên vào giờ trưa

Ảnh: Độc Lập

Độc giả có nick Nguyễn Sang thì bình luận: "Shipper, tiếp thị, giao hàng... toàn ở ngoài, làm xong chiều tối mới được về, kiếm chỗ mua đồ ăn đã hiếm, làm gì có chỗ ngồi ăn ngoài công viên, chẳng lẽ ăn sáng ở nhà rồi tối về nhà ăn luôn hay sao".
Bạn đọc tên Me bày tỏ: "Tội các chú chạy xe quá. Chạy xe ngoài đường cả ngày sao về nhà ăn cơm giữa trưa được, hàng quán cũng đâu cho ngồi ăn đâu"...

'Khó thở cũng không được tháo khẩu trang!'

Những ngày qua, lực lượng chức năng thường xuyên rảo khắp các tuyến đường để nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, một số nơi đã bắt đầu xử phạt. Với địa bàn có nhiều công viên dọc các lô cư xá, lực lượng của phường 27, Q.Bình Thạnh cũng thường xuyên có xe đi tuần tra, bắc loa nhắc nhở người dân chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Trong ngày 7.3, một tổ công tác của phường Bến Nghé, Q.1 đã đi tuần tra trên địa bàn để xử phạt người không đeo khẩu trang. Trong đó có trường hợp vừa tháo khẩu trang ra ăn sáng xong, chưa đeo lên lại cũng bị lập biên bản.

Nhiều người xót lòng khi không biết xe ôm công nghệ sẽ ăn trưa ở đâu trong những ngày này

Ảnh: Kim Qui

Theo ghi nhận của phóng viên, vào tầm giờ trưa, nhiều người lao động, shipper, xe ôm tranh thủ tấp vào một gốc cây, tháo khẩu trang để ăn vội bữa trưa của mình. Vậy tháo khẩu trang ăn ngoài đường như thế nào thì sẽ bị phạt?
Theo lãnh đạo một phường ở TP.HCM, khi vừa có quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, lực lượng chức năng đã đi nhắc nhở, gần đây, các phường mới bắt đầu xử phạt. Nhiều trường hợp đeo khẩu trang nhưng kéo xuống cằm với lý do khó thở cũng bị nhắc, không chấp hành thì sẽ phạt ngay.
Trước khi tới lập biên bản, thường sẽ có người trong đoàn kiểm tra chụp ảnh lại để làm bằng chứng, sau đó lực lượng mới bắt đầu đến giải thích và lập biên bản vì không mang khẩu trang.

Lãnh đạo phường cho rằng việc xử phạt chủ yếu để tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức

Ảnh: Kim Qui

Lãnh đạo một quận thì cho biết, việc ăn ở ngoài đường, biết là sẽ rất kẹt cho những người không có nơi công sở như shipper, lao động công cộng, xe ôm. Nhưng tất cả đều phải vì lợi ích chung, phải chung tay để cả cộng đồng phòng chống và đẩy lùi dịch Covid-19 mà tìm chỗ ăn uống cho hợp lý.
Vị này lấy ví dụ, một nhóm công nhân tranh thủ giờ nghỉ trưa để ngồi nghỉ uống nước ở công viên có thể sẽ là hình ảnh hết sức bình thường, nhưng trong thời điểm này, nếu ngồi như vậy thì họ sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt vì tập trung trên 2 người nơi công cộng và không giữ khoảng cách an toàn.
"Đa phần các trường hợp tháo khẩu trang ra ăn ở công viên, vỉa hè sẽ được nhắc nhở để lần sau không tái diễn vì đây là nơi công cộng, việc tháo khẩu trang đã là không đúng tinh thần của Chỉ thị 16 rồi. Mỗi người nên chịu khó một chút, cố gắng một chút để cho qua những ngày giãn cách xã hội này thì mọi chuyện sẽ trở về đúng nhịp của nó", lãnh đạo quận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.