Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách trong đầu tư phát triển văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/12/2022 09:38 GMT+7

Đại biểu Hội thảo văn hóa quốc gia "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" cho rằng cần tháo gỡ điểm nghẽn chính sách trong đầu tư phát triển văn hóa .

Ngày 17.12, Hội thảo văn hóa quốc gia với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” khai mạc tại Bắc Ninh. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT-DL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo văn hóa chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa"

btc cung cấp

Chủ tọa hội thảo có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn đánh giá hiện tại văn hóa chưa được quan tâm như kinh tế. Ông nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nguyên nhân dẫn đến văn hóa còn yếu kém là tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Đầu tư cho văn hóa cũng để hưởng thụ văn hóa của người dân được tốt hơn

nhà hát tuổi trẻ

Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là: “Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ T.Ư đến cơ sở. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa… Sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa”.

Ông Trần Thanh Mẫn nói: “Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ban tổ chức hội thảo sẽ xây dựng báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương để phục vụ công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định trong phát biểu đề dẫn, một thời gian dài, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ở nhiều nơi chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.

Bảo vệ các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa cũng là vấn đề cần được đặt ra với địa phương

TL

Ông Thắng cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta rất cần có khung khổ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên văn hóa, các giá trị văn hóa và con người; cần bảo đảm “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hóa, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình phát triển kinh tế.

Theo ông Thắng phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành tựu về phát triển văn hóa luôn mang lại hiệu ứng cộng hưởng trong các thành tựu phát triển chung. Đây phải là cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bảo đảm tính tổng thể và toàn diện trên tất cả các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Có vậy, các địa phương mới nhận thức rõ trọng trách, sự ưu tiên, đồng thời không cảm thấy bị thua thiệt, nhất là trong thu ngân sách hàng năm khi thực thi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, giá trị văn hóa bền vững của đất nước.

Công nghiệp văn hóa cũng là một vấn đề đặt ra tại hội thảo

tl

Ông Thắng đề xuất việc thảo luận về xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Theo đó, phải có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách thật cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người hiện nay.

Trong đó, cần nhất là tháo gỡ về phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực phát triển văn hóa; cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa; cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển văn hóa, quy hoạch phát triển của các địa phương giàu tiềm năng văn hóa… để lĩnh vực văn hóa, con người có được những bước đột phá phát triển thật sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.