Thành ủy Hà Nội khuyến khích cán bộ bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức

09/05/2023 16:25 GMT+7

Tại Quy định số 12-QĐ/TU về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Thành ủy Hà Nội khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Quy định số 12-QĐ/TU về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định này gồm 7 chương, 39 điều, nhằm cụ thể hóa các quy định mới của T.Ư; thay thế Quy định số 04-QĐ/TU ngày 11.8.2021 của Thành ủy Hà Nội.

Thành ủy Hà Nội khuyến khích cán bộ bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức - Ảnh 1.

Trụ sở Thành ủy Hà Nội

NGUYỄN TRƯỜNG

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn, quy định yêu cầu phải bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức (tính từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực).

Đối với việc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử, quy định yêu cầu chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết hạn bổ nhiệm, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ phải xem xét, báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về việc xin chủ trương bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ.

Cán bộ sau khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vì một trong các lý do: sức khoẻ không bảo đảm; uy tín giảm sút; không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước…, thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ, hết nhiệm kỳ công tác.

Đặc biệt, nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, Quy định số 12-QĐ/TU khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức; nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

6 trường hợp bị xem xét miễn nhiệm

1. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.

2. Bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

3. Có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

4. Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

5. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

6. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.