Thành trì vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

08/12/2022 06:31 GMT+7

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đúc kết một số bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, văn kiện đại hội chỉ rõ bài học đầu tiên là 'công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ'.

Từ đó, cho thấy yêu cầu khách quan đặt ra đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có tri thức, có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng tình hình nhiệm vụ cách mạng hiện nay.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ cách mạng và luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” để phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở nước ta. Vì thế, xây dựng đội ngũ cán bộ là một nội dung lớn trong tư tưởng của Người. Có thể trong các bài viết, bài nói, Người dùng những cách nói khác nhau nhưng tựu trung lại, Hồ Chí Minh đều khẳng định cán bộ giữ vị trí chủ thể của sự nghiệp cách mạng, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vị trí, vai trò của cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng. Thực tế cho thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là ở những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định tất cả. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng đã ngày càng chú trọng đến công tác cán bộ và ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ.

Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tháng 12.2022

TTXVN

Đại hội XIII đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về cán bộ. Đây là bước phát triển trong nhận thức của Đảng, bởi “công tác cán bộ thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…”. Do đó, công tác cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước. Thực tiễn cho thấy nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm đã dần mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành nguồn sức mạnh to lớn trong quá trình đổi mới đất nước.

Thực tiễn cách mạng đã chứng minh: Vai trò lãnh đạo và sự thành công của Đảng phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản là đường lối chính trị và công tác cán bộ nhưng đường lối chính trị cũng do cán bộ đề ra. Việc hoạch định đường lối chính trị đúng, kiên định và đổi mới thành công đặt ra yêu cầu khách quan đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, phải kiên định, giữ vững bản lĩnh chính trị. Bởi, sự vững vàng, kiên định của đội ngũ cán bộ chủ chốt là nhân tố trực tiếp nhất, quan trọng nhất quyết định sự thành công hay không vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Thậm chí, trong tình hình hiện nay, bản lĩnh chính trị vững vàng của mỗi cán bộ, đảng viên sẽ giúp chuyển “nguy” thành “cơ”, thành động lực thúc đẩy quyết tâm và hành động. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết là phải rèn luyện bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và tạo môi trường thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ này.

Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên được biểu hiện là tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ thẳng thắn, trung thực, mang tính xây dựng; là dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, yếu kém và quyết tâm sửa chữa; là linh hoạt thích ứng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên là phải nâng cao trình độ lý luận, rèn luyện năng lực tổ chức thực tiễn, nhưng luôn phải giữ vững lập trường, nguyên tắc, vì Đảng là một tổ chức chiến đấu và hành động trên một lập trường chính trị rõ ràng, trong bất kỳ tình huống nào cũng không được dao động, ngả nghiêng.

Ở trong nước, trước những khó khăn và phức tạp về lý luận thường nảy sinh các luồng tư tưởng khác nhau, cán bộ, đảng viên phải có lập trường, thái độ rõ ràng, phân biệt rõ quan điểm nào là đúng, quan điểm nào là sai, không được trung dung, dĩ hòa vi quý. Không dám ủng hộ quan điểm đúng, mà lại dung túng cho các quan điểm sai là cực kỳ nguy hiểm, không những hậu quả khôn lường, mà còn làm nhụt chí những người có ý kiến đúng, có lập trường cách mạng chân chính. Cũng cần chống cả tình trạng nhất trí chung chung, quan điểm mơ hồ, không rõ lập trường, gió chiều nào theo chiều ấy, thấy đúng không dám lên tiếng bảo vệ, thấy sai cũng không dám phê phán, nói một đàng còn nghĩ và làm một nẻo…

Vì vậy, để xây dựng được đội ngũ cán bộ đức - tài, đảm đương được sứ mệnh lịch sử cách mạng hiện nay, bản thân mỗi người cán bộ, đảng viên phải tự ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần tự học, cầu tiến. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ cấp bách của đội ngũ cán bộ, đảng viên là phải khắc phục được tình trạng lười học, ngại lý luận chính trị, học chỉ để đối phó lấy bằng cấp cho đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm, không vì mục đích nâng cao tri thức, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Trong khi đó, chính những kiến thức lý luận chính trị được tích lũy sẽ là nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên rất linh hoạt, sáng tạo trong công việc thực tiễn, nhưng luôn kiên định nguyên tắc để không bị “chệch hướng”, hay vô ý rơi vào tình huống “vô tổ chức, vô kỷ luật”. Kiến thức lý luận chính trị chính là cơ sở để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định. Đây là yếu tố có tính chất quyết định đưa đất nước đổi mới thành công, thậm chí trong những tình huống bất ngờ, bản lĩnh chính trị vững vàng giúp cán bộ chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ, thành động lực thúc đẩy quyết tâm và hành động. Với sự tự ý thức tự học của mỗi cán bộ, sẽ tạo ra nguồn lực nội sinh của Đảng, đó là những cán bộ “6 dám”: dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu. Đây là một điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá, quyết liệt hành động vì lợi ích chung.

Hiện nay, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong tiến trình đổi mới, khó tránh khỏi những vấn đề bất cập của cơ chế chính sách, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống chính sách pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, đất nước muốn phát triển cần có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của nhân dân; đặc biệt, cần có những đột phá nắm bắt thời cơ để tạo nên những bước phát triển cho sự nghiệp chung của cách mạng.

Vấn đề là cần phải có cơ chế, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ “6 dám” nhằm tiêu diệt vi rút “sợ trách nhiệm”, tâm lý “ỷ lại tập thể, sợ trách nhiệm, không quyết đoán”, làm việc cầm chừng. Bởi từ những căn bệnh trên, vô hình trung tạo ra trở lực cho quá trình phát triển, làm chậm sự phát triển xã hội. Đồng thời, cơ chế đó là hành lang pháp lý để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy sáng tạo năng lực, trách nhiệm của mình vì mục tiêu chung, vì sự phát triển của sự nghiệp cách mạng.

Đánh giá kết quả 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Biểu hiện cụ thể nhất, rõ nét nhất là Đảng phải thật sự nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của cán bộ và coi trọng công tác cán bộ, thực chất là đặt con người vào vị trí trung tâm của lịch sử để phát huy cao độ động lực con người trong tiến trình cách mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.